Bất cứ ai trong chúng ta cũng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Gia đình bao gồm những người sống chung dưới một mái nhà, có lợi ích kinh tế chung và có trách nhiệm với nhau trong cuộc sống. Gia đình là tổ ấm tràn đầy tình yêu thương nuôi dưỡng mỗi con người lớn lên và trưởng thành. Gia đình là điểm tựa tinh thần vô cùng lớn lao cho mỗi người, là nơi khơi nguồn mọi sáng tạo và thành công. Gia đình vừa là nơi đáp ứng nhu cầu riêng tư vừa thực hiện chức năng phát triển nòi giống và là trường học đầu tiên hình thành, phát triển nhân cách con người.
Với ý nghĩa là trường học đầu đời, là môi trường văn hóa đầu tiên, nơi mà mỗi cá nhân từ khi chào đời đến phát triển, trưởng thành liên tục được tiếp nhận những tình cảm tốt đẹp từ các thành viên, văn hóa gia đình là giá trị cốt lõi của văn hóa xã hội, vì rằng, đó là khởi nguồn sinh ra con người, nuôi dưỡng con người từ thuở lọt lòng đến khi trưởng thành. Nhân cách, đạo đức, lối sống của các thành viên trong gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến con trẻ; trong khi đó, sự giáo dục ở gia đình không có chương trình, kế hoạch cụ thể và các thành viên không được đào tạo chính quy về giáo dục, cho nên, giáo dục gia đình không chuẩn mực sẽ dẫn con trẻ đến suy nghĩ và hành vi lệch chuẩn.
Nhân cách con người bắt đầu hình thành từ lúc còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành vẫn chưa dừng lại… Trong hành trình đó, lứa tuổi ấu thơ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình là giai đoạn quan trọng, mặc dù khi đó, nhân cách chưa được thể hiện rõ ràng, song thông qua hành vi bắt chước hành động của người lớn, con trẻ bắt đầu thu nhận các tương tác nhân – sinh – quan để hình thành nhân cách của mình. Để con trẻ trở thành một người có nhân cách tốt, việc giáo dục của mỗi gia đình đóng vai trò chủ đạo. Theo đó, giáo dục con trẻ không chỉ dừng lại ở lời nói hay mà phải bằng những cử chỉ, việc làm đẹp, bởi mọi hành vi, thái độ, lối sống của người lớn, nhất là cha mẹ có tác động trực tiếp tới việc hình thành, phát triển nhân cách của con trẻ. Người xưa thường nói “dạy con từ thuở còn thơ”, cho nên, việc thường xuyên giáo dục con trẻ thái độ, cử chỉ, lời nói lễ phép, kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo… để khi trưởng thành con trẻ thấu hiểu, biết ơn đấng sinh thành, nuôi dưỡng, chăm sóc ông bà, cha mẹ là hết sức cần thiết.
Một đứa trẻ sống trong một gia đình mà ở đó các thành viên trong gia đình luôn được tôn trọng, được yêu thương, thì đứa trẻ đó sẽ biết tôn trọng và yêu thương những người xung quanh. Trái lại một đứa trẻ luôn sống cảm giác bị bỏ rơi, bị đe dọa, bị từ chối sẽ trở nên nhút nhát, mặc cảm, co cụm. Gia đình là trường học đầu tiên của con cái, là cái nôi xuất phát mọi niềm vui sự thành đạt. Trong gia đình, cha mẹ vừa là người bạn, người thầy, nhà mô phạm mẫu mực của con.