Quan điểm về vai trò của gia đình với tư cách là chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em được xem xét dựa trên tiếp cận dựa trên cơ sở quyền (Human Rights- based Approach). Tiếp cận trên cơ sở quyền tập trung vào phân tích mối quan hệ giữa chủ thể có trách nhiệm thực hiện quyền và chủ thể mang quyền, và những điểm thiếu hụt trong việc thực hiện các trách nhiệm của các bên liên quan chịu trách nhiệm thực hiện quyền (UNDP, 2009). Vận dụng tiếp cận trên cơ sở quyền và đối chiếu với các Điều, Khoản trong Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em (QTE) có thể phân tích vai trò và việc thực hiện vai trò của gia đình trong phòng, chống XHTD thông qua các quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của Gia đình (chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện QTE) đối với việc phòng, chống XHTD đối với trẻ em (chủ thể mang quyền).
Công ước quốc tế về QTE đã đặt ra những nghĩa vụ rõ ràng cho các chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện QTE, trong đó có các quyền bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, lạm dụng, bao gồm cả xâm hại/lạm dụng tình dục để đảm bảo trẻ em được phát triển trong môi trường an toàn và lành mạnh. Điều 18 của Công ước QTE đã nêu rõ rằng những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là điều quan tâm cơ bản của cha mẹ, hoặc/và người nuôi dưỡng, cả cha và mẹ đều có trách nhiệm chung trong việc nuôi dưỡng và phát triển trẻ em, và họ phải là người có trách nhiệm hàng đầu trong việc nuôi dưỡng và phát triển trẻ em.
Dựa trên tiếp cận quyền, căn cứ vào các quy định của Công ước QTE và kết hợp với các đặc trưng cơ bản của trẻ em về sự non nớt, cả về thể chất và tinh thần, sự phụ thuộc vào trách nhiệm và hành động của người lớn trong quá trình phát triển, có thể xác định rằng, gia đình là một trong những chủ thể chính chịu trách nhiệm thực hiện QTE, bên cạnh Nhà nước và các tổ chức xã hội (Đặng Bích Thủy, 2017).
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, gia đình là môi trường cơ bản cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, trong đó có các quyền bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực và xâm hại (Xem UN, 2006). Trong công trình nghiên cứu về vai trò của gia đình trong thực hiện quyền trẻ em, Holmberg & Himes (2005) nhấn mạnh QTE được thực thi và có ý nghĩa thiết thực nhất trong môi trường gia đình với trách nhiệm của cha mẹ (Dẫn theo Nguyễn Hữu Minh và Đặng Bích Thủy, 2009). Nhiều tác giả khác như Franklin (2001), Feinberg (1980), Savitri (2003) cũng đưa ra các quan điểm về vai trò thiết yếu của gia đình trong thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, bao gồm các quyền bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi nguy cơ, bị lạm dụng và bạo lực.
Việc xác định gia đình là chủ thể chính trong thực hiện quyền bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bị bạo lực, xâm hại có ý nghĩa lý luận quan trọng cho việc trong việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý quy định các trách nhiệm, nghĩa vụ của gia đình trong phòng, chống XHTD trẻ em, cũng như việc đưa ra các chính sách hỗ trợ gia đình thực hiện hiệu đầy đủ và hiệu quả các nghĩa vụ của mình. Đồng thời, quan điểm gia đình là chủ thể chính trong thực hiện QTE cũng có ý nghĩa đối với đối với các chương trình, dự án can thiệp phòng chống XHTD trẻ em lấy gia đình/cha mẹ làm trung tâm.
TS. Đặng Bích Thủy, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới