Ngày 01/10/2009, Bộ VHTTDL Ban hành Quyết định số 3391/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt “Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020”)
Gia đình có vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, nâng đỡ suốt đời người, là môi trường để hình thành và phát triển nhân cách, là nơi để rèn luyện lối sống có đạo lý, có tình người.Với mỗi chúng ta, gia đình là tổ ấm, là bến đỗ bình yên, là trường học đầu tiên hình thành, phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống của mỗi con người. Để môi trường gia đình thực sự lành mạnh, an toàn và ấm áp cho mỗi cá nhân phát triển toàn diện cần có sự chăm lo, vun đắp của mỗi thành viên gia đình, sự ủng hộ, đồng thuận của cộng đồng và sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước thông qua hệ thống pháp luật và các chủ trương, chính sách về gia đình.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về gia đình nhằm phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được trong việc nâng cao chất lượng sống của các gia đình Việt Nam, vẫn còn đó nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết như: tình trạng ly hôn, ly thân, tảo hôn, phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới bất hợp pháp, mua bán người… diễn biến phức tạp; tệ nạn xã hội vẫn đang tiếp tục xâm nhập vào gia đình đặc biệt là giới trẻ; vấn đề bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em nghiêm trọng gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội; sự tôn trọng giá trị gia đình ở nhiều tầng lớp xã hội, nhất là thế hệ trẻ đang bị giảm sút; đạo đức, lối sống suy đồi…
Với kết quả của chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình đại bộ phận các gia đình Việt Nam trong những năm gần đây có số con ít, điều kiện đời sống kinh tế, tinh thần được cải thiện nâng cao, không ít các gia đình tỏ ra quá nuông chiều, sẵn sàng thỏa mãn đòi hỏi của con cái, buông lỏng quản lý, ít chú ý đến sự lễ phép, tính kỷ luật của con trẻ và vô tình đã tạo ra một thế hệ công dân nặng tính ích kỷ cho xã hội. Đã xem nhẹ bổn phận, trong đó có bổn phận thuộc đạo đức mà bất cứ đứa trẻ nào trong bất cứ gia đình nào cũng phải thực hành. Đó là sự hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ; thương yêu, nhường nhịn giữa anh chị em; lễ phép với thầy cô giáo, với người lớn; thật thà, chăm chỉ làm việc nhà…
Giáo dục gia đình là sự trao truyền lối sống và kinh nghiệm sống dựa trên những chuẩn mực chung của xã hội, của cộng đồng và nếp nhà (gia phong) qua các thế hệ một cách tự nhiên và như một nhu cầu tồn tại. Giáo dục gia đình trong mấy mươi năm qua đã không được coi trọng (Hoa Hữu Vân, chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL). Giáo dục gia đình bị xem nhẹ và có xu hướng chia sẻ chức năng giáo dục cho nhiều lực lượng khác. Do vậy cần tăng cường giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình trong giai đoạn hiện nay./.