Giá trị mối quan hệ của gia đình với dân tộc và Tổ quốc có thể có nhiều biểu hiện, sắc thái khác nhau. Nhìn chung các gia đình sẵn sàng hi sinh một phần lợi ích cá nhân nếu điều đó mang lại lợi ích cho cộng đồng (3,6/5), và mức độ sẵn sàng cho con cháu mình/bản thân tham gia quân đội khi Tổ quốc cần. Mức độ sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân vì xã hội có xu hướng giảm dần theo đoàn hệ tuổi, cho thấy càng nhóm trẻ, mức độ chấp nhận tính cộng đồng, tính tập thể càng thấp, tính cá nhân càng cao. Chiều hướng này cũng tương tự nếu nhìn theo mức độ chấp nhận hi sinh lợi ích cá nhân vì cái chung theo trình độ học vấn và mức sống. Theo đó, những người có đặc điểm ít hiện đại hơn, thuộc nhóm xã hội ở tầng thấp hơn, như học vấn thấp, mức sống nghèo, thì tính tập thể, tính cộng đồng cao hơn so với nhóm thuộc tầng lớp xã hội cao hơn, có nhiều đặc điểm hiện đại hơn.
Qua khảo sát, mức độ đồng ý của người trả lời với nhận định “mỗi gia đình, thành viên cần luôn gắn kết với dòng họ để giúp đỡ lẫn nhau” có điểm trung bình trên 4/5, rất cao. Nhóm nam giới, cao tuổi hơn, cư trú ở đô thị, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung có mức đồng ý với việc giữ gìn nề nếp gia phong cho con cháu cao hơn. So với điểm trung bình về mức độ gắn kết với dòng họ, mức độ gắn kết giữa gia đình với cộng đồng là thấp hơn. Cụ thể, điểm trung bình về nhận định bạn bè, xóm giềng giúp đỡ bất cứ khi nào tôi cần là 3,52/5 điểm. Mức độ tham gia các hoạt động cộng đồng của gia đình và thành viên gia đình là 3,54, cho thấy tính cộng đồng của người dân Việt nam đang giảm sút.
Nhóm mang nhiều đặc điểm truyền thống như người cao tuổi, nông thôn, học vấn thấp, nghèo, dân tộc thiểu số thì có sự gắn kết với dòng họ cao hơn, tính cộng đồng cao hơn những nhóm có đặc điểm hiện đại. Điều này chứng tỏ, mức độ hiện đại hóa, tự chủ, tính cá nhân hóa cao hơn sẽ làm giảm nhu cầu gắn kết với dòng họ, cộng đồng của mỗi cá nhân và gia đình (Trần Thị Minh Thi, 2021).