Việc điểm qua những mặt mạnh, mặt yếu của các loại hình gia đình cho chúng ta thấy bức tranh sống động nhiều màu sắc của xã hội Việt Nam hiện nay. Nhưng cũng phải chỉ ra điều này: Mỗi vùng miền lại có những đặc điểm riêng trong quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Một trong những nỗ lực có thể gọi là thành công là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, tâm lý, giáo dục… đã xây dựng được Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Trong xã hội văn minh, hầu hết các lĩnh vực sinh hoạt của con người đều có những bộ tiêu chí hướng dẫn cách ứng xử. Để soạn thảo được Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình không phải là việc dễ dàng nhưng nay chúng ta đã có bộ tiêu chí đó. Có thể nói, Bộ tiêu chí này được xây dựng khá khoa học, rõ ràng, dễ hiểu, vừa đáp ứng được đòi hỏi của thời đại hội nhập, vừa thể hiện được những giá trị truyền thống.
Xin được giới thiệu, phân tích, diễn giải những nội dung cơ bản của Bộ tiêu chí.
Trước hết là những tiêu chí ứng xử chung đã được xác định.
Đó là 4 tiêu chí có tính then chốt:
1.Tôn trọng: Đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của nhau;
2.Bình đẳng: Có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình;
3.Yêu thương: Có tình cảm gắn bó tha thiết, quan tâm chăm sóc nhau;
4.Chia sẻ: Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ với nhau vui buồn, khó khăn, hoạn nạn.
Sau khi đã xác định những tiêu chí chung, Bộ tiêu chí ứng xử đưa ra những tiêu chí ứng xử cơ bản trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
– Tiêu chí ứng xử giữa vợ và chồng cơ bản nằm ở hai phẩm chất: Chung thủy, Nghĩa tình. Những phẩm chất này được diễn giải cụ thể: Vợ chồng có tình cảm trước sau như một, không thay đổi; Chăm sóc nhau, cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình; Lắng nghe, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung, hòa nhã với nhau.
– Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con; ông bà với cháu cũng được thể hiện trong hai phẩm chất: Gương mẫu, Yêu thương và được diễn giải cụ thể như sau: Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; Quan tâm, chăm sóc con cháu khi con cháu còn nhỏ; trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu giữ gìn nền nếp, gia phong; có tình cảm gắn bó tha thiết.
– Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ; cháu với ông bà được xây dựng trên hai phẩm chất: Hiếu thảo, Lễ phép. Những phẩm chất này được diễn giải rõ ràng như sau: Con, cháu có lời nói, cử chỉ, hành động thể hiện sự kính trọng, biết ơn, giúp đỡ cha mẹ, ông bà; Thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu.
– Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em được xây dựng trên hai phẩm chất: Hòa thuận, Chia sẻ. Những phẩm chất này được thể hiện trong thực tế như sau: Anh, chị, em tôn trọng, bảo nhau điều hay, lẽ phải; Anh chị bao dung đối với em, em kính trọng anh chị; Cùng chia sẻ với nhau tình cảm hoặc vật chất lúc vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
– Tiêu chí ứng xử giữa vợ chồng tỏ ra thiết thực và được vận dụng nhiều nhất vì đây là mối quan hệ bản lề trong gia đình. Nếu cả người vợ lẫn người chồng đều trân trọng chung thủy, nghĩa tình; gia đình sẽ hạnh phúc và bền vững. Soi vào đây, con cái cũng sẽ trở nên hiếu thảo, lễ phép.
Trên thực tế, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đang từng bước đi vào cuộc sống để xác định các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; Nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Xin được lưu ý điều này: Khi nghiên cứu và khám phá những thành công của các quốc gia được xem là “Rồng châu Á”, các học giả phương Tây đã chỉ ra bí quyết: Các quốc gia này vừa đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, vừa trân trọng, bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống, đặc biệt coi trọng những phẩm chất đạo đức được hình thành, lưu giữ và củng cố trong gia đình. Họ cũng chỉ ra rằng, châu Á là nơi tôn sùng hệ tư tưởng Nho giáo, nhưng để phát triển và vươn tới văn minh, những người châu Á đã biết loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lạc hậu; phát huy những yếu tố tích cực trong việc phát triển nhân cách của Nho giáo. Chính điều này đã giúp “Rồng châu Á” phát triển nhanh, bền vững, ổn định.
Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành nói riêng đang khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 để tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội, nâng vị thế của đất nước và của địa phương lên một tầm cao mới. Trong tiến trình này, cần đặc biệt chú ý tới việc xây dựng văn hóa, lối sống, những chuẩn mực về đạo đức, nhân cách trong gia đình. Phải xem gia đình là trường học đầu tiên đối với tất cả mọi người. Đừng quên gia đình đang biến đổi mạnh mẽ nên tư duy của chúng ta cũng cần phải luôn luôn đổi mới.