Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng Công văn gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Trong những năm qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực, số vụ bạo lực gia đình có chiều hướng giảm; nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình được nâng lên đáng kể. Tuy số vụ bạo lực giảm nhưng tính chất, mức độ, đối tượng gây bạo lực ngày càng phức tạp ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Theo đó, Uỷ ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo:
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Sở, ban, ngành tỉnh, các tổ chức chính trị – xã hội và địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật, phòng, chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; nêu gương những tổ chức, cá nhân điển hình trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, kịp thời phê phán các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về công tác gia đình. Chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014-2020 và các Đề án, Kế hoạch thuộc lĩnh vực gia đình, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tổ chức Họp mặt biểu dương gia đình tiêu biểu nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) hàng năm. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở. Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình trong đó có phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tiếp tục duy trì nhân rộng và phát huy hiệu quả của mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, các mô hình mới, cách làm hay trong công tác gia đình; tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bạo lực gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các Đề án, chương trình, kế hoạch về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2016-2020 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo phù hợp với tình hình thực tiễn.
Công an Tỉnh: Hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi bạo lực gia đình đảm bảo tính răn đe, giáo dục để giảm nguy cơ tái diễn; can thiệp kịp thời khi phát hiện có trường hợp bạo lực gia đình xảy ra. Phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với thực tiễn đời sống nhân dân tại địa phương.
Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hàng năm bố trí kinh phí thực hiện các Kế hoạch, Chương trình, Đề án về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt.
Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình có đóng góp tích cực cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.
Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục củng cố và phát triển mạng lưới cộng tác viên là nhân viên y tế khóm, ấp thực hiện nhiệm vụ y tế và công tác gia đình, trẻ em theo quy định; tạo điều kiện bố trí nơi tạm lánh, chăm sóc, hỗ trợ y tế cho nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận thông tin tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em; thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Sở Giáo dục và Đào tạo: Hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh những kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình; đưa các nội dung giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình vào sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa phù hợp với điều kiện thực tế của từng nơi; thực hiện tốt Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông, báo chí tăng thời lượng, tần suất truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình; biểu dương những tấm gương điển hình có đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các tổ chức thành viên: Tăng cường giám sát và phản biện xã hội đối với các chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến công tác gia đình; tổ chức lồng ghép nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình vào các cuộc vận động, phong trào; tập trung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nguyên nhân và hậu quả của bạo lực gia đình đến hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân.
Các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội tỉnh: Tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị; thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, đề án, kế hoạch về lĩnh vực gia đình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của từng đơn vị, địa phương.
Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo triển khai, bố trí nguồn lực địa phương và huy động xã hội hóa để thực hiện có hiệu quả công tác gia đình và các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách; kịp thời xử lý nhanh, hiệu quả các điểm nóng về bạo lực gia đình, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đối với các vụ việc phức tạp, đề phòng xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Uỷ ban nhân dân cấp xã tăng cường thực hiện nhiệm vụ của công chức phụ trách lĩnh vực gia đình. Phối hợp với Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiện toàn, củng cố đội ngũ công tác viên về dân số, gia đình và trẻ em ở cấp xã. Đưa các chỉ tiêu phòng, chống bạo lực gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm và giai đoạn; thực hiện báo cáo kết quả phòng, chống bạo lực gia đình trong nội dung báo cáo kết quả thực hiện kinh tế – xã hội của các địa phương. Đồng thời, quy định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình nghiêm trọng.