Trong bối cảnh nền kinh tế – xã hội nước ta đạt được nhiều thành tựu lớn về mọi mặt, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, cùng với hội nhập quốc tế sâu rộng và đặc biệt bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1754/QĐ-BVHTTDL ngày 28 tháng 4 năm 2017 về phê duyệt Đề án “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình đến năm 2021, định hướng 2026” là rất quan trọng, tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình vào thực tế đời sống, xã hội.
Đến nay, hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình đã tương đối hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động văn hóa nghệ thuật, công tác phòng, chống bạo lực gia đình, được điều chỉnh bằng Luật, Nghị định và thông tư. Từ 2017 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã soạn thảo, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành 01 Luật, 14 Nghị định và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 01 Luật đang trong giai đoạn lập đề nghị sửa đổi, bổ sung (Luật phòng, chống bạo lực gia đình); 01 luật đang trong giai đoạn xây dựng (Luật Điện ảnh (sửa đổi); 01 Nghị định đang trình Chính phủ ký, ban hành (Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn).
Các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, gia đình từ năm 2017 đến nay khi xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung đều cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu bền vững phát triển đất nước; Kết luận số 01-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị khóa XI về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Nhiều chính sách mới được đưa ra, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân đều được tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật, đảm bảo quyền tự do sáng tạo của công dân, như: Tổ chức, cá nhân nước ngoài được thành lập thư viện (theo quy định tại Luật Thư viện), được thành lập cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam (theo quy định tại Nghị định số 126/2018/NĐ-CP về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam); Nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thành lập và hoạt động như: giảm vốn pháp định trong thành lập cơ sở sản xuất phim thuộc lĩnh vực điện ảnh, bỏ điều kiện về kho lưu giữ, bảo quản hiện vật đối với điều kiện kinh doanh giám định cổ vật, giảm số lượng người có chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích trong lĩnh vực di sản văn hóa, bỏ khoảng cách trong hoạt động kinh doanh karaoke, nhiều thủ tục hành chính được bãi bỏ, thời gian xử lý thủ tục hành chính giảm đáng kể so với trước đây…; Một số hoạt động chuyển từ cấp phép sang đăng ký hoặc thông báo như thủ tục về tổ chức lễ hội, thành lập thư viện; Phân cấp mạnh mẽ hơn, thay vì cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương cấp phép, đến nay nhiều hoạt động chuyển về địa phương cấp phép, chủ động quản lý như: Quy định về cho phép tổ chức lễ hội, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật, cấp Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích, chấp thuận tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp người mẫu (trong dự thảo Nghị định đang xây dựng hiện nay); Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được quy định cụ thể hơn trong các văn bản thuộc lĩnh vực thư viện, hoạt động lễ hội, karaoke, vũ trường…; Một số chính sách của nhà nước cụ thể hơn so với trước đây, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động văn hóa như chính sách của nhà nước với hoạt động thư viện, lễ hội, triển lãm…; Một số nội dung chưa được quy định cụ thể tại Luật nhưng để đảm bảo đủ biện pháp quản lý nhà nước, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam…
Các văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn vừa qua, về cơ bản tuân thủ đúng theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, đến nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, gia đình vẫn còn bất cập, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội và công tác quản lý nhà nước. Nhiều văn bản trong quá trình lấy ý kiến góp ý còn mang tính hình thức, chuyên viên trực tiếp xây dựng văn bản còn chưa thực sự am hiểu sâu lĩnh vực mình quản lý dẫn đến văn bản chưa đạt được kết quả như mong muốn. Việc đánh giá tác động của chính sách có lúc còn hình thức, mang định tính, thiếu định lượng; việc phân tích, đánh giá lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản còn chưa khách quan.
Trong thời gian tới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với nhiều văn kiện quan trọng sẽ được thông qua, là kim chỉ Nam hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước. Trong đó có việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, tăng cường đổi mới công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đòi hỏi định hướng của công tác này vừa đảm bảo tính dự báo của hệ thống pháp luật, vừa bảo đảm tính phù hợp, khả thi với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Việc tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng sau Đại hội XIII, trong đó có lĩnh vực văn hóa, gia đình vừa là yêu cầu khách quan, vừa là nhiệm vụ quan trọng của Ngành. Năm 2021 cũng là năm đầu triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do đó đòi hỏi việc rà soát, hoàn thiện, đồng bộ hóa hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình là cấp thiết.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành sửa đổi Luật Điện ảnh, Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Trong giai đoạn từ 2021 – 2016 và những năm tiếp theo, cần tiếp tục rà soát, tổng kết hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành để đưa ra các kế hoạch, phương án cụ thể. Cùng với việc rà soát, hệ thống hóa văn bản thì việc quan trọng và cần thiết là củng cố đội ngũ công chức tham mưu, xây dựng văn bản, phổ biến giáo dục, pháp luật, tổ chức thực thi và kiểm tra việc theo dõi, thi hành pháp luật cũng cần được quan tâm, kiện toàn.