Năm 2020- tròn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, chúng ta đã đạt được những thành tựu gì và còn những hạn chế, thách thức gì trong công tác xây dựng gia đình trong thời gian qua?
Thực hiện mục tiêu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) nêu tại Chỉ thị số 49 là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
15 năm qua, để thực hiện mục tiêu trên cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện tham mưu, tổ chức thực hiện công tác gia đình theo chức năng nhiệm vụ, đã tạo sự chuyển biến tích cực. Kinh tế hộ gia đình thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tăng trưởng tổng thu nhập quốc dân hàng năm. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở phát triển, ngày càng có nhiều gia đình văn hoá, khu phố văn hoá, làng văn hoá, cụm dân cư văn hoá được bình xét, tôn vinh góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm đã giúp cho hàng triệu gia đình thoát nghèo và nâng cao mức sống. Nhiều chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ cho các gia đình đặc biệt khó khăn, gia đình có công với cách mạng, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được ban hành. Công tác DSKHHGD, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã đạt được những thành tích đáng kể, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội ngày càng ổn định và phát triển.
Những giá trị nhân văn mới, tiêu biểu là bình đẳng giới và quyền trẻ em, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Quyền trẻ em đã được pháp luật thừa nhận, được xã hội và gia đình thực hiện và phát huy. Luật Hôn nhân và Gia đình đã tạo điều kiện để thực hiện hôn nhân bình đẳng và tiến bộ. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm được tuyên truyền sâu rộng hơn, đã trở thành một ngày kỷ niệm quan trọng của nhiều gia đình, gắn với văn hóa ứng xử trong gia đình, với trách nhiệm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, khẳng định vai trò, vị trí của gia đình đối với xã hội và xã hội đối với gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số những tồn tại một số hạn chế và khó khăn. Đó là: Một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể còn chưa thực sự quan tâm đến công tác gia đình. Hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình một số địa phương, chưa hiệu quả. Công tác phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo và các cấp, các ngành thiếu chặt chẽ. Nhiều hoạt động còn mang tính hình thức chưa đi vào chiều sâu… Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội, tình hình BLGĐ tuy có giảm về số vụ và số nạn nhân, nhưng vẫn còn xảy ra một số vụ bạo lực nghiêm trọng ở một số địa phương. Sau 12 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đến nay vẫn chưa xác định được đúng, đầy đủ các hành vi BLGĐ. Còn có cách hiểu khác nhau về hành vi BLGĐ. Chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về gia đình, nên việc thống kê, tổng hợp số liệu còn chưa đồng nhất giữa các cơ quan, dẫn đến khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách về gia đình và công tác gia đình. Nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình còn hạn chế, năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình chưa cao; chế độ bồi dưỡng cho lực lượng cộng tác viên, tình nguyện viên chưa được xác lập. Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về công tác gia đình còn hạn chế về hoạt động quản lý truyền thông ở các cấp; thiếu tài liệu tập huấn, tài liệu truyền thông và đội ngũ báo cáo viên…