Đa phần các đối tượng xâm hại trẻ em được xác định là những người địa phương, người quen của trẻ. Trên thực tế, những đối tượng xâm hại hoặc những kẻ môi giới thường phải dành nhiều thời gian để xây dựng mối quan hệ với trẻ (đôi khi là với gia đình trẻ). Do vậy, những đối tượng xâm hại tình dục thường tìm mục tiêu trong số trẻ em mà chúng quen biết, có khi ngay trong gia đình.
Theo MICS 2014 (Báo cáo điều tra các mục tiêu về phụ nữ và trẻ em) chỉ ra rằng 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 ở Việt Nam phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý do các thành viên trong gia đình thực hiện kết hợp một loạt hình các hình thức kỷ luật có bạo lực. Đối tượng là người thân trong gia đình xâm hại tình dục trẻ em chiếm 21,3%, bạo lực đối với trẻ em chiếm 65,88%. Trong số gần 6.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện trong giai đoạn 2011-2015 và 6.545 vụ được phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2016 thì 97% những kẻ xâm hại tình dục có quen biết với nạn nhân, trong đó 47% là người thân trong gia đình.
Trong những trường hợp này, chính sự gần gũi đã tạo nên sự ham muốn xâm hại của đối tượng xâm hại, đồng thời lại làm cho trẻ quá tin tưởng vào họ mà không có sự đề phòng. Điều đó góp phần làm cho kẻ xâm hại dễ có thời cơ thực hiện ý định của mình.