Trong lựa chọn bạn đời, nữ đánh giá tầm quan trọng cùa giá trị truyền thống trong hôn nhân như gia đình tương đồng về hoàn cảnh và kết hôn với người cùng địa phương/dân tộc cao hơn. Nữ giới cũng có xu hướng đề cao giá trị vật chất hơn nam giới (76,6% phụ nữ và 48,8% nam giới chọn thu nhập là tiêu chí quan trọng để kết hôn). Tỷ lệ phụ nữ chọn công việc là tiêu chí quan trọng để lựa chọn bạn đời cũng cao hơn nam giới (85% so với 69%). Giá trị này dường như khá xuyên suốt từ truyền thống tới hiện đại theo khuôn mẫu phụ nữ quan tâm nhiều hơn tới các điều kiện tài năng, kinh tế của bạn đời, còn nam giới có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới phẩm hạnh, ngoại hình, sức khoẻ của người bạn đời.
Có thực tế nữ giới tự trói buộc, tự định kiến mình trong những khuôn vàng thước ngọc của quan điểm giới trước đây. Phụ nữ đề cao tầm quan trọng của trinh tiết và tự đưa ra những chuẩn mực về trinh tiết khắt khe hơn nam giới. Ví dụ, tỷ lệ phụ nữ đồng ý với nhận định “không còn trinh tiết khi kết hôn là một điều đáng xấu hổ với phụ nữ” là 42%, trong khi nam giới là 33%. Trong khi phụ nữ dường như tự nghiêm khắc với chính mình trong những nhận định liên quan đến trinh tiết, thì nam giới lại có cái nhìn rộng lượng hơn. Có 52,7% nam giới đồng ý với nhận định ” Phụ nữ QHTD trước hôn nhân là bình thường”, cao hơn so với của phụ nữ (41%). Trinh tiết ít quan trọng hơn ở những nhóm có đặc điểm hiện đại hơn như sống ở đô thị, học vấn cao, mức sống khá giả, nhóm trẻ tuổi, dân tộc Kinh, đi làm, nhóm các vùng kinh tế phát triển như Đông Nam Bộ (Trần Thị Minh Thi, 2021).
Đồng thời, phụ nữ Việt Nam đang có xu hướng giải phóng tư tưởng khá mạnh mẽ, có nhiều quan điểm hiện đại và cởi mở về hôn nhân và gia đình, thoát li khỏi những định kiến giới truyền thống và phân công vai trò giới truyền thống. Nữ giới có xu hướng đồng ý nhiều hơn so với nam giới ở các nhận định mang tính hiện đại. Chẳng hạn, số phụ nữ thích sống độc thân và không lập gia đình, ủng hộ làm mẹ đơn thân cao hơn nam giới (16,6% so với 10%) và tỷ lệ nữ đồng ý với nhận định về mô hình hôn nhân truyền thống “Thanh niên đến tuổi trưởng thành nhất thiết cần lập gia đình” thấp hơn so với nam (35,8% so với 55,6%). Điều này cho thấy xu hướng muốn phá vỡ các khuôn mẫu giới truyền thống của phụ nữ Việt Nam, cũng như nhận thức về tự do, bình đẳng giới, chủ nghĩa cá nhân của phụ nữ cao hơn trong khi nam giới vẫn muốn duy trì khuôn mẫu hôn nhân truyền thống, trong đó bảo vệ quyền gia trưởng cho nam giới.
Đối với nam giới, dường như đang trong xung đột của hệ giá trị cũ và mới, và mức độ chấp nhập việc giảm dần vai trò và tiếng nói của mình theo chế độ gia trưởng chậm hơn so với mức độ phụ nữ nhận thức được quyền bình đẳng và vị thế của mình trong gia đình và xã hội. Nam giới vẫn thiên về bảo lưu những giá trị gia đình, vai trò giới truyền thống. Chẳng hạn, tỷ lệ nam giới ủng hộ việc đến tuổi trưởng thành nhất thiết cần lập gia đình và cho rằng khi có con, phụ nữ nên lui về chăm sóc gia đình cao hơn so với nữ giới. Nam giới cũng mong đợi sự chung thủy trong quan hệ vợ chồng nhiều hơn (Trần Thị Minh Thi, 2021).