Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã xây dựng Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”
Sau 15 năm quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH đất nước, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về gia đình và công tác gia đình có chuyển biến tích cực. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”.
Công tác giáo dục đời sống trong gia đình được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt; kinh tế hộ gia đình tiếp tục được đẩy mạnh phát triển; đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao; Tỷ lệ hộ nghèo giảm, các mô hình kinh tế hộ gia đình tiên tiến tiếp tục được xây dựng và nhân rộng; kết quả bền vững của chương trình xoá đói, giảm nghèo và tạo việc làm được đảm bảo, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các gia đình có công với cách mạng, gia đình là nạn nhân của chiến tranh được quan tâm giúp đỡ. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đã thu hút được đông đảo các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị và quần chúng nhân dân tham gia.
Tuy nhiên, việc triển khai Chỉ thị số 49-CT/TW ở một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; việc quán triệt thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW chưa được thường xuyên, liên tục; việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị còn lúng túng, chưa đề ra được chủ trương, biện pháp cụ thể; chưa thật sự coi trọng công tác gia đình, còn cho đó là việc riêng của ngành văn hóa; kinh phí cấp cho công tác gia đình còn hạn hẹp; chủ yếu là lồng ghép với các chương trình, nhiệm vụ về phát triển văn hóa, xã hội.
Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương có lúc, có nơi chưa đồng bộ. Một số đơn vị chưa thấy trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị.
Điều kiện, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đề ra trong Chỉ thị chưa được quan tâm, tạo điều kiện, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; việc tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn (điều kiện địa lý, khí hậu, đặc biệt là kinh phí); một số gia đình chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình; hiểu biết pháp luật ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế.
Việc kiểm tra, giám sát của tỉnh, huyện tới cơ sở trong thực hiện Chỉ thị chưa thường xuyên, liên tục.Tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra ở một số nơi, còn nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực diễn ra trong nhiều gia đình nhưng không được phát hiện, giải quyết kịp thời; tình trạng hôn nhân có xu hướng gia tăng.
Công tác thống kê số liệu về gia đình và các vụ bạo lực gia đình chưa sát với tình hình thực tế. Việc nắm bắt tình hình bạo lực gia đình trên địa bàn chưa kịp thời. Cơ sở tư vấn về PCBLGĐ và cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình chưa được thành lập. Nhiều vụ bạo lực tinh thần, thân thể, tình dục trong gia đình chưa được lên án, chỉ trong trường hợp nạn nhân bị thiệt hại lớn về sức khỏe và tinh thần mới có sự can thiệp của cộng đồng dân cư.