Thực hiện năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, xây dựng nhiều mô hình, địa chỉ tin cậy, câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm… hiệu quả, nhằm bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Toàn thành phố hiện xây dựng được 1.990 “địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, các địa chỉ này đã tư vấn, hỗ trợ 80 vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, hôn nhân, mâu thuẫn cộng đồng; tổ chức trợ giúp pháp lý cho gần 600 phụ nữ; tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực, phòng, chống tội phạm, bảo đảm an toàn trong môi trường mạng xã hội cho hơn 35 nghìn cán bộ, hội viên phụ nữ. Bên cạnh đó, 48 tổ tư vấn cũng phát huy hiệu quả hoạt động, giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em…
Để cụ thể hóa mục tiêu an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái và xuất phát từ nhu cầu thực tế là nơi có nhiều công nhân sinh sống, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đông Anh đã xây dựng mô hình “Nhà trọ an toàn” và đến nay đã có hơn 100 điểm. Tại địa phương có hơn 80% “Nhà trọ an toàn” của huyện, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kim Chung Lê Thị Minh Nhàn cho biết: “Không những bảo đảm an toàn cho nữ công nhân, các “nhà trọ” còn là điểm cung cấp thông tin tin cậy về nhà ở, đào tạo nghề, các dịch vụ xã hội… cho hàng nghìn lượt nữ công nhân. Đặc biệt, chủ “Nhà trọ an toàn” cũng là cán bộ, hội viên phụ nữ nên có điều kiện cụ thể hóa mục tiêu của hội là chăm lo, bảo vệ tốt hơn đời sống nữ công nhân”.
Một mô hình khác là “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” cũng được nhiều đơn vị chú trọng xây dựng, như Hội Liên hiệp phụ nữ các quận, huyện: Long Biên, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoài Đức, Gia Lâm… Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Thanh Xuân Trịnh Thị Hồng Thủy cho biết: Hội Liên hiệp phụ nữ quận đã xây dựng mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” ở 11 phường. Các điểm này không chỉ tư vấn, hỗ trợ kiến thức liên quan đến gia đình, nuôi dạy con, phòng, chống bạo lực cho chị em mà còn là điểm tựa khi phụ nữ và trẻ em bị bạo hành.
Ngoài việc xây dựng mô hình “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”, để giúp hội viên trang bị kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Cầu Giấy còn duy trì hoạt động của Câu lạc bộ “Cùng chia sẻ”. Hằng tháng, cán bộ trợ giúp của câu lạc bộ sẽ rà soát các nạn nhân của bạo lực gia đình và có biện pháp giúp đỡ.
Trong khi đó, mô hình “Làng quê an toàn” do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố xây dựng thí điểm tại xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) từ tháng 5-2020 là mô hình có ý nghĩa thiết thực với chị em phụ nữ nông thôn. Nhờ mô hình này, nhiều chị em đã có nhận thức tốt hơn về việc tự bảo vệ bản thân, xây dựng gia đình hạnh phúc. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Túc Nguyễn Thị Vy chia sẻ: “Tham gia mô hình, chị em được cung cấp kiến thức về phòng tránh xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, từ đó nhắc nhở con em mình biết và phòng tránh”.
Với tiêu chí an toàn cho phụ nữ, trẻ em là hạnh phúc, bình yên của mỗi gia đình, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã liên tục tổ chức chuỗi các hoạt động bổ ích, trong đó có diễn đàn “Phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em”, tổ chức tháng 6-2020. Ngoài ra, giai đoạn 2019-2020, hội còn phối hợp với một tổ chức phi chính phủ quốc tế xây dựng mô hình “Thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em gái” tại 5 quận, huyện và đã thiết kế lắp đặt 10 sân chơi an toàn và thân thiện với trẻ em…
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố sẽ tiếp tục có những hoạt động thiết thực, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về phòng, chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em và phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tội phạm ma túy, buôn bán người…, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng một cộng đồng an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.