Mặc dù Việt Nam là một trong số những nước sớm nhất ký Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (ký ngày 20.11.1989) song cho đến nay hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ quyền trẻ em nói chung, phòng tránh xâm hại, bạo hành trẻ em nói riêng vẫn còn thiếu đồng bộ, nhiều điểm còn bất cập dẫn đến việc hiệu lực hóa còn chưa cao. Từ năm 2004 Quốc hội đã ban hành Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đến 2016 Luật này được thay đổi thành Luật trẻ em và luật này cũng mới chính thức có hiệu lực từ ngày 01/6/2017. Mặc dù xét trên hình thức, hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến việc bảo vệ trẻ em khá đầy đủ song việc hiệu lực hóa các văn bản pháp luật này còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân có thể gồm (i) Các điều khoản quy định liên quan đến bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em còn thiếu rõ ràng, thiếu các chỉ báo định lượng để cơ quan hành pháp và tư pháp lấy làm căn cứ tố tụng; (ii) Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật nhằm bảo vệ quyền trẻ em nói chung, phòng tránh bạo lực và xâm hại trẻ em nói riêng còn chưa được quan tâm đúng mức. Các chiến dịch truyền thông còn thưa thớt, nội dung chung chung, thiếu cụ thể, thiếu sinh động để các đối tượng tiếp cận thông điệp truyền thông có thể ghi nhớ, thực hành….
Để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em nhất thiết cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan có vai trò rất quan trọng đáp ứng tình hình thực tiễn. Vì vậy, việc rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là hành vi dâm ô đối với trẻ em để thuận lợi trong quá trình thực thi pháp luật.