Tổng kết quá trình thi hành Luật hiện hành cho thấy các biện pháp cấm tiếp xúc chưa được áp dụng nhiều và chưa thực sự là biện pháp bảo vệ hữu hiệu đối với người bị bạo lực. Nguyên nhân chính là do các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định cấp tiếp xúc khi có đủ ba điều kiện gồm: (1) có đơn yêu cầu; (2) hành vi BLGĐ gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại (3) người có hành vi BLGĐ và nạn nhân có nơi ở khác nhau trong thời gian cấp tiếp xúc. Cơ quan soạn thảo dự kiến chỉnh lý nội dung cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính khả thi và đặt sự an toàn của người bị BLGĐ lên hàng đầu, cụ thể như sau:
Luật hiện hành không quy định rõ ai là người phải ra khỏi nhà dẫn đến tình trạng khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc người bị BLGĐ thường là người phải ra khỏi nhà. Kinh nghiệm nhiều quốc khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì người có hành vi BLGĐ là người phải ra khỏi nhà. Luật sửa đổi nên quy định “người bị BLGĐ được quyền lựa chọn chỗ ở” bao hàm cả quyền được ở tại nhà.
Sửa đổi theo hướng bổ sung một khoản quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ hành vi BLGĐ đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối (tương tự như trường hợp Tòa án nhân dân tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc).
Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, Tòa án không có thẩm quyền tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm tiếp xúc với nạn nhân BLGĐ”. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các vụ việc BLGĐ mang tính chất đặc thù, nhiều vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, cần phải có biện pháp xử lý ngay. Do vậy, quy định Tòa án tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc khi thấy cần thiết bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của người bị BLGĐ là phù hợp. Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật cần bổ sung quy định sửa đổi Điều 135 của Bộ luật Tố tụng dân sự.