Tết Nguyên đán là nét văn hóa đã ăn sâu vào tâm trí người Việt từ người già đến trẻ nhỏ. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, mọi người sẽ có một kỳ nghỉ lễ dài để nghỉ ngơi, sum họp gia đình. Trước sự giao thoa văn hóa của thời hội nhập, chúng ta cần giữ nét văn hóa cổ truyền Dân tộc, kết hợp đón nhận thêm những nét văn hóa mới.
Trong xu thế hiện đại, hội nhập về văn hóa là điều không tránh khỏi và góp phần làm đa dạng nền văn hóa của đất nước. Nhưng “hòa nhập mà không hòa tan” là điều chúng ta cần hướng đến. Học hỏi để làm đa dạng, phong phú thêm nền văn hóa đất nước là điều cần thiết nhưng bảo tồn và phát huy truyền thống vẫn cần được chú trọng. Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp về các ngày Lễ, Tết trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu, yêu và giữ gìn hơn nữa những tinh hoa dân tộc.
Những nét văn hóa đặc sắc của Tết cổ truyền người Việt nằm sâu ở tầng giá trị, mà giá trị của Tết truyền thống không phải ở hình thức. Trải qua bao biến thiên của thời đại, đến nay, Tết Việt đã có nhiều thay đổi. Những thay đổi đó cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau này. Giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam là trách nhiệm không của riêng ai. Bởi vậy, mỗi công dân dù đang sinh sống trên đất nước mình, hay học tập, công tác và định cư ở nước ngoài cần bảo tồn và phát huy những nét truyền thống văn hóa của Tết Việt. Đồng thời cũng cần phê phán, đấu tranh loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong trong dịp Tết Nguyên đán, như: Hoạt động mê tín dị đoan; nạn cờ bạc, rượu chè; các lễ hội phản cảm, tốn kém; các hiện tượng gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội.