Xây dựng bầu không khí gia đình đầm ấm, yêu thương, tạo môi trường bình yên, lành mạnh làm nền tảng cho việc giáo dục con trẻ.
Đây là yếu tố hết sức quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của con. Nếu gia đình bất hòa, có bạo lực hay không có sự tôn trọng lẫn nhau sẽ tạo nên những đứa trẻ có tâm lý bất ổn, xu hướng bạo lực hoặc những khiếm khuyết về tâm sinh lý trong đời sống sau này.
Phát hiện tiềm năng, bồi dưỡng và giáo dục con phát triển toàn diện.
Cha mẹ cần:
Biết cách phát hiện những điểm mạnh, điểm yếu của con để có định hướng phù hợp trong học tập và vui chơi;
Khơi gợi để con bộc lộ tiềm năng, tạo cơ hội và điều kiện tốt nhất để giúp con tự khẳng định, được phát triển năng lực theo sở trường và sở thích lành mạnh;
Dạy con tính trung thực, công bằng, không ích kỷ; biết đối mặt với thử thách để có khả năng ứng phó với mọi tình huống trong cuộc sống; biết bày tỏ tình cảm và quan tâm, chăm sóc tới mọi người;
Giúp con tự nhận thức quyền và trách nhiệm của mình đối với bản thân, với gia đình và xã hội; không phân biệt quyền hay trách nhiệm của con trai và con gái;
Xây dựng và củng cố sự tự tin, lòng tự trọng của các con.
Lắng nghe và tôn trọng quyết định của con là việc quan trọng tạo nên sự bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình.
Cha mẹ nên :
Tạo cơ hội, khuyến khích để con bày tỏ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình, được tham gia ý kiến vào các vấn đề của gia đình. Từ đó, thấu hiểu và chia sẻ, hỗ trợ, gợi ý giúp con giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Cha mẹ vừa là người thầy dạy dỗ con từ tấm bé nhưng cũng cần là người bạn chia sẻ và cảm thông, luôn bên con trong cuộc sống ;
Lắng nghe, tôn trọng con chính là phương cách tốt nhất để giúp con biết xác định mục tiêu của cuộc sống, có động lực và quyết tâm thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình.
Xây dựng và duy trì nguyên tắc giáo dục trong gia đình là điều cần thiết mà mỗi bậc cha mẹ đều nên coi trọng.
Cha mẹ không nên áp đặt kỷ luật cứng nhắc trong các mối quan hệ gia đình nhưng cũng cần có những nguyên tắc trong ứng xử và giải quyết các vấn đề của đời sống gia đình. Để các thành viên trong gia đình, đặc biệt là con trẻ hiểu và đồng thuận với các nguyên tắc, cha mẹ cần thảo luận thống nhất, làm gương và hướng đến sự tích cực khi áp dụng các nguyên tắc kỷ luật này. Có khen ngợi, có phê bình, có thưởng và có phạt kịp thời, đúng lúc, sẽ giúp con tự tin, sống có trách nhiệm và biết vượt qua những vấp ngã, lỗi lầm trên đường đời.