Quản lý nhà nước về gia đình là một lĩnh vực mới, phạm vi quản lý rộng, đối tượng quản lý hết sức đặc thù bởi gia đình là một thiết chế xã hội thu nhỏ, bao gồm nhiều cá thể con người độc lập nhưng được kết nối với nhau bằng mối quan hệ huyết thống và quan hệ pháp lý, các giá trị của gia đình được hình thành, duy trì và phát triển trên cơ sở các giá trị đạo đức, giá trị văn hóa và giá trị kinh tế của xã hội. Từ năm 2007, nhiệm vụ quản lý nhà nước về gia đình được Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và được thực hiện thông qua hệ thống cán bộ, công chức của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ở Trung ương, giữ nguyên Vụ Gia đình thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ở địa phương, cấp tỉnh chỉ còn một bộ phận đảm nhiệm công tác gia đình thuộc Phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình, cấp huyện do Phòng Văn hóa và Thông tin đảm nhiệm, cấp xã do cán bộ văn hóa, xã hội đảm nhiệm. Mạng lưới cộng tác viên tại cơ sở sau khi chia tách nhiệm vụ đang được kiện toàn, xây dựng để hỗ trợ cho công tác gia đình tại địa phương. Theo báo cáo của các địa phương, toàn quốc có 13.573 cán bộ, công chức của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về gia đình (61% nam và 39% nữ). Trong đó: trình độ của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp: Chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ (4,1%), trình độ trung cấp (50,5%), đại học (44%), trên đại học (1,4%); chuyên ngành đào tạo về gia đình (0%), chuyên ngành văn hóa, thể thao, du lịch và các ngành khoa học xã hội (69%), chuyên ngành khoa học tự nhiên (31%); kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực gia đình: Trên 4 năm (52%), trên 2 năm (25%), 1 năm (16%), mới (7%). Như vậy, có thể thấy đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp vẫn đang trong quá trình kiện toàn, củng cố, chưa có sự đào tạo cơ bản về nghiệp vụ công tác gia đình cũng như cần tiếp tục tích lũy kinh nghiệm thực tiễn để nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, đáp ứng được các yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Hiện đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp đang thực hiện các nhiệm vụ sau: Tham mưu hoạch định, tổ chức thực hiện chính sách thuộc lĩnh vực gia đình trên cơ sở xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu về gia đình; triển khai, thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược, đề án, chương trình thuộc lĩnh vực gia đình; tuyên truyền, giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình; xây dựng, hướng dẫn nhân rộng các mô hình gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững; quản lý nhà nước dịch vụ công về gia đình, các tổ chức, hội hoạt động thuộc lĩnh vực gia đình; xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về lĩnh vực gia đình; xây dựng hệ thống dữ liệu về gia đình…
Để đáp ứng được các nhiệm vụ trên đòi hỏi đội ngũ cán bộ cần được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong công tác gia đình một cách bài bản và thường xuyên. Tuy nhiên, thực tiễn còn nhiều khó khăn, bất cập trong công tác bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ. Từ năm 2008 đến nay, hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Vụ Gia đình) chỉ tổ chức được 01 kỳ tập huấn theo hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ thông qua việc hướng dẫn triển khai kế hoạch, các đề án, chương trình, văn bản mới ban hành cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình cấp Trung ương và cấp tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương tiếp tục triển khai tới cấp huyện và cấp xã. Các dự án hợp tác quốc tế do Vụ Gia đình triển khai đã hỗ trợ xây dựng 02 bộ tài liệu và tổ chức 07 lớp tập huấn cho 280 lượt cán bộ thực hiện công tác gia đình cấp trung ương và cấp tỉnh về kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình. Chưa có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng dài hạn về công tác gia đình tại các trường đại học, cao đẳng của ngành cũng như trong chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Do đó, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình ở các cấp còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong triển khai các nhiệm vụ được giao.
Để giải quyết căn cơ vấn đề nguồn nhân lực, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 25/01/2014 phê duyệt “Đề án kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020” (Đề án kiện toàn, đào tạo) với mục đích xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đủ năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về gia đình. Sau khi Đề án kiện toàn, đào tạo được phê duyệt, Bộ đã ban hành các quyết định triển khai, tổ chức thực hiện trên phạm vi toàn quốc, hàng năm đều có hướng dẫn, rà soát, kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện. Sau 06 năm thực hiện đã đạt được kết quả:
Tổ chức rà soát, khảo sát thực trạng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp, đánh giá, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ định kỳ 02 năm/lần; Xây dựng và ban hành bộ tài liệu đào tạo, bồi dưỡng giảng viên công tác gia đình các cấp. Đã đào tạo và cấp chứng chỉ cho 84 cán bộ thực hiện công tác gia đình tại Trung ương và cấp tỉnh nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên công tác gia đình, tiếp tục triển khai, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ cập huyện và cấp xã; Xây dựng và phê duyệt Đề án phát triển ngành Gia đình học, thành lập Khoa Gia đình và Công tác xã hội tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội với hàng trăm sinh viên được tuyển sinh và đào tạo hàng năm; Năm 2016, Bộ đã ban hành Quyết định số 3627/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 phê duyệt Dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020, với mục tiêu “đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện, tham gia công tác gia đình các cấp, các ngành và mạng lưới cộng tác viên cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình” và các chỉ tiêu cụ thể như: Xây dựng bộ tài liệu nghiệp vụ công tác gia đình và tổ chức các khóa bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên nguồn, báo cáo viên cấp Trung ương và cấp tỉnh; 50% cơ quan Bộ, ngành, tổ chức ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giảng viên nguồn, báo cáo viên về công tác gia đình cấp trung ương và cấp tỉnh; 60% cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp, các ngành và mạng lưới cộng tác viên cơ sở được tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực về công tác gia đình; 60% cơ quan Bộ, ngành, tổ chức ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giảng viên nguồn, báo cáo viên về công tác gia đình cấp trung ương và cấp tỉnh; 70% cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp, các ngành và mạng lưới cộng tác viên cơ sở được tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực về công tác gia đình.
Hàng năm, Bộ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ định kỳ về công tác gia đình cho đội ngũ cán bộ ở trung ương và cấp tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành triển khai tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác gia đình cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã; 100% cán bộ làm công tác gia đình các cấp được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện công tác gia đình.
Đến năm 2020, các chỉ tiêu của Đề án cơ bản đã được hoàn thành, một số địa phương đạt vượt như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…