Việt Nam tham gia có hiệu quả và đóng góp tích cực tại các diễn đàn quốc tế về lĩnh vực BĐG và phụ nữ. Việt Nam được đánh giá là thành viên tích cực tại các cơ chế của Liên hợp quốc liên quan đến bình đẳng giới (BĐG), đặc biệt là Ủy ban thứ 3 Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế – Xã hội (ECOSOC), Hội đồng Nhân quyền, Ủy ban địa vị phụ nữ,…; chủ động đóng góp vào các nội dung BĐG, tham gia đồng bảo trợ, đồng thuận các nghị quyết về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, bảo vệ phụ nữ khỏi tình trạng mua bán người, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Trong giai đoạn làm thành viên của Hội đồng nhân quyền 2014 – 2016, Việt Nam đã chủ động đề xuất nhiều sáng kiến về BĐG và được đông đảo các nước ủng hộ, đặc biệt là sáng kiến tổ chức các Tọa đàm quốc tế về “Tăng cường giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm chống lại nạn buôn người” và “Bảo đảm và thúc đẩy quyền của phụ nữ ven biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.
Thúc đẩy thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia như Công ước CEDAW, Cương lĩnh hành động Bắc Kinh vì sự tiến bộ của phụ nữ, các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) liên quan đến BĐG.
Tham gia tích cực trong việc thúc đẩy lồng ghép giới và bao trùm giới trong các lĩnh vực, các diễn đàn của APEC, đặc biệt Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC. Năm 2017, Việt Nam đã chủ trì và đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC từ ngày 26 đến ngày 29/9/2017 tại thành phố Huế với 3 sự kiện chính thức, 7 sự kiện bên lề và 17 cuộc gặp song phương giữa các đoàn từ các nền kinh tế thành viên. Diễn đàn và các sự kiện bên lề đã thu hút 753 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.
Hằng năm, Chính phủ tổ chức các đoàn công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Phụ nữ và Kinh tế; khoá họp của Ủy ban Địa vị phụ nữ của Liên hợp quốc; tham gia các hoạt động về BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong khu vực ASEAN, APEC.
Duy trì quan hệ hợp tác hiệu quả với các cơ quan, tổ chức quốc tế như: Cơ quan Liên hợp quốc về BĐG và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)…, và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới như: Bộ BĐG và Gia đình Hàn Quốc, Bộ Trẻ em, Bình đẳng và Hòa nhập xã hội của Na Uy, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hòa bình và Phát triển Tây Ban Nha (PyD), Oxfam Anh, Đại sứ quán Úc, Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hàn Quốc (KOICA),…
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc lồng ghép vấn đề BĐG vào quá trình xây dựng các định hướng chiến lược thu hút, sử dụng nguồn vốn ODA. Lĩnh vực BĐG đã nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cả về kỹ thuật và nguồn lực, góp phần thúc đẩy thực hiện BĐG trong các lĩnh vực ở Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù lĩnh vực BĐG luôn là nội dung ưu tiên trong hợp tác Việt Nam – Liên hợp quốc nhưng các dự án có nội dung chuyên biệt về thúc đẩy BĐG còn hạn chế, hầu hết là các dự án có lồng ghép nội dung BĐG hoặc có hợp phần về BĐG.