Từ trước cho đến nay, bất kỳ xã hội nào cũng lấy gia đình làm nền tảng và coi đó là sự phát triển của một dân tộc, một quốc gia. Trong các mối quan hệ gia đình, mối quan hệ vợ chồng quyết định đến sự bền vững, hạnh phúc của gia đình.
Quan hệ vợ chồng theo quan điểm Nho giáo
Nho giáo cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc đến sự phát triển văn hóa gia đình ở Việt Nam.
Theo quan điểm của Nho giáo, người phụ nữ trong gia đình không được coi trọng. Quan hệ vợ chồng chỉ có một chiều, người vợ hoàn toàn phụ thuộc vào người chồng. Đến thời Tống, vị trí của người phụ nữ còn bị hạ thấp hơn và phải thực hiện tam tòng, “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” và tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh”. Nghĩa vụ phải chịu nhẫn nhịn, hy sinh vì chồng và gia đình.
Quan hệ vợ chồng theo quan điểm Phật giáo
Khác với quan điểm của Nho giáo, Phật giáo hướng đến mối quan hệ vợ chồng một cách tích cực hơn. Theo quan niệm của đạo Phật, quan hệ gắn kết vợ chồng là do nghiệp. Đồng thời, quan hệ này là mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng. Đối với người chồng thì lấy lễ đối đãi với vợ, chuẩn mực nhưng không hà khắc và cùng làm việc nhà với vợ. Ngược lại, người vợ phải siêng năng và biết nể chồng, lo toan mọi việc trong ngoài.
Có thể thấy rằng, mặc dù Phật giáo không thể hiện rõ quan điểm đa thê như Nho giáo nhưng lại khuyến khích sự chung thủy trong hôn nhân. Trong kinh Đảnh Lễ Sáu Phương (còn gọi là Kinh Giáo Thọ thi ca La việt, Trường Bộ Kinh) có ghi: “Nếu một người đàn ông có vợ mà đến với người phụ nữ khác ngoài hôn thú thì điều này có thể là nguyên nhân về sự sa sút của anh ta và chắc chắn anh ta phải đối mặt với nhiều vấn đề khác cùng với những phiền toái”. Như vậy, mặc dù quan niệm của Phật giáo có cách đây mấy ngàn năm nhưng giá trị thực tiễn vẫn ảnh hưởng cho đến tận ngày nay.