Hiện nay, nguồn lực thực hiện công tác này còn rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn công việc. Bộ chưa được cấp nguồn kinh phí để thực hiện Đề án 1019 và công tác người khuyết tật nói chung mà phải lồng ghép trong các nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị liên quan. Chưa có cán bộ chuyên trách để thực hiện công tác này.
Do thiếu về nguồn lực nên nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu của Đề án chưa được thống kê và có số liệu cụ thể (số % người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn, luyện tập thể dục, thể thao). Các hoạt động cụ thể trợ giúp người khuyết tật trong lĩnh vực văn hóa, gia đình và du lịch chưa nhiều, lồng ghép trong các nhiệm vụ chuyên môn khác.
Nhận thức của xã hội, gia đình còn hạn chế, chưa thấy được quyền, khả năng và vai trò của người khuyết tật đối với gia đình, cộng đồng.
Đời sống kinh tế của đại đa số gia đình người khuyết tật còn nghèo nên chưa lo đủ cho thành viên trong gia đình có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội dành cho người khuyết tật.
Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí, thể dục thể thao ở cơ sở cho người khuyết tật tham gia còn hạn chế, mới chủ yếu tập trung vào các sự kiện, hoạt động quy mô lớn phục vụ một bộ phận người khuyết tật có khả năng cao về văn hóa, văn nghệ, thể thao mà chưa phục vụ đông đảo người khuyết tật.
Cán bộ huấn luyện thể thao ở các môn cho người khuyết tật còn ít. Kiến thức về phân loại thương tật cho vận động viên còn hạn chế.
– Người khuyết tật khó tiếp cận với các công trình thể thao do hạ tầng cơ sở hầu hết đều chưa có để phục vụ cho người khuyết tật đến tham gia tập luyện.
Việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất trợ giúp và tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đã được cải thiện, song chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu, chủ yếu tập trung ở số ít các công trình lớn khu vực đô thị. Chính sách xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư đã có nhưng chậm đi vào cuộc sống, trình tự thủ tục thực hiện không thuận lợi.
Việc đầu tư thiết kế, chế tạo, sản xuất các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao cho người khuyết tật còn chưa được quan tâm đúng mức, phần lớn là được nhập khẩu sản phẩm, công nghệ từ nước ngoài. Các trang thiết bị chuyên dùng cho người khuyết tật còn thiếu, không đồng bộ và chưa phù hợp cho người khuyết tật tập luyện (một phần trong nước chưa sản xuất được, giá thị trường nước ngoài lại quá cao).