Những năm gần đây tình hình xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn vì không chỉ để lại hậu quả nặng nề với bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội. Trước tình hình đó thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh, đơn vị đã chủ động và phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thị xã thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi đảm bảo cho trẻ em quyền vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch; gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị truyền thống của gia đình và đảm bảo sự tham gia của trẻ em trong gia đình. Do đó tình hình trẻ em bị xâm hại trong các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động du lịch hầu như không có, xâm hại trẻ em liên quan đến bạo lực gia đình giảm đáng kể qua các năm.
Số trẻ em bị xâm hại: Cụ thể kể từ ngày 11 tháng 01 năm 2015 đến 30 tháng 6 năm 2019 tổng số trẻ em bị xâm hại liên quan đến bạo lực gia đình là 495 trẻ, trong đó: năm 2015 là 222; năm 2016 là 207; năm 2017 là 40; năm 2018 là 26. Hình thức bạo lực: chủ yếu là bạo lực thân thể, bị cha mẹ hoặc người thân đánh đập, số ít trường hợp bị bạo lực về tinh thần, xảy ra ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Nguyên nhân của tình trạng xâm hại trẻ em là do mâu thuẫn trong gia đình giữa cha mẹ, anh chị em, do cuộc sống khó khăn, áp lực về kinh tế.
(Báo cáo số 1986/SVHTTDL-QLVHGĐ ngày 05/9/2019 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em)