Về ưu điểm: Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về lĩnh vực gia đình, các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã nghiêm túc triển khai nhiều hoạt động thiết thực và mang lại nhiều kết quả cao; Công tác gia đình đã thực sự nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể; đồng thời có sự đóng góp tích cực của các cơ quan thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở, nên công tác gia đình đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam và xây dựng gia đình các dân tộc trên địa bàn tỉnh “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” đồng thời ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội góp phần xây dựng nông thôn mới; Công tác truyền thông, vận động, giáo dục xã hội đã được đổi mới và đa dạng hoá; đã nhận được sự quan tâm tổ chức của các cấp, các ngành với quy mô ngày càng lớn; do vậy, hiệu quả của công tác này đã đi vào chiều sâu và có chất lượng cao, nhận thức của đại bộ phận Nhân dân trên địa bàn tỉnh về trách nhiệm xây dựng, củng cố gia đình ngày càng no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc có nhiều chuyển biến tích cực.
Về khó khăn, hạn chế: Kinh phí cho triển khai công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế, có nơi không cấp kinh phí hoạt động, nhất là cấp huyện và đặc biệt là cấp xã, chưa triển khai thực hiện theo đúng Thông tư liên tịch 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 21/10/2011 giữa Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ảnh hưởng tới hiệu quả triển khai các hoạt động; việc duy trì hoạt động của các Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình chưa được thường xuyên, hiệu quả, hoạt động chưa tích cực , không cấp kinh phí hoạt động, thiếu tài liệu sinh hoạt, còn ỷ lại vào sự hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chưa chủ động và linh hoạt trong xây dựng nội dung và triển khai các hoạt động; công tác thu thập chỉ số, chỉ báo về gia đình và bạo lực gia đình còn gặp nhiều khó khăn, một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định, không có nguồn chi kinh phí hỗ trợ cho việc thu thập chỉ số, chỉ báo gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, dẫn tới chất lượng báo cáo chưa cao; Cán bộ phụ trách công tác gia đình phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên một số công việc hoàn thành còn chậm so với quy định; chưa chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương về đổi mới nội dung, hình thức hoạt động công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.