Ngày 27 tháng 4 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã xây dựng Báo cáo số 918/BC-SVHTTDL về việc Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”
Các hoạt động tuyên truyền về công tác gia đình, về phòng, chống bạo lực gia đình đã mang lại hiệu quả thiết thực, từ đó tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của toàn dân, các cấp, các ngành qua việc quán triệt thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các chính sách đối với gia đình và công tác gia đình được rộng khắp và thường xuyên. Các hình thức triển khai đã được đa dạng hóa, vận dụng những mặt tích cực, hiệu quả từ các kênh thông tin tuyên truyền trên mạng internet, tuyên truyền cổ động trực quan, truyền thông trên hệ thống truyền hình, báo đài, hệ thống loa từ tỉnh đến cơ sở, đã đem lại những kết quả đạt được trong công tác gia đình trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh như:
Quy mô gia đình ít con luôn được quan tâm và áp dụng rộng rãi trong xã hội, tỷ lệ gia đình có quy mô nhỏ (mỗi cặp vợ chống có 1 đến 2 con) ngày càng tăng; tỷ lệ số hộ dùng nước sạch ngày càng tăng lên. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức hôn nhân và gia đình, hiểu biết về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ngày càng cao. Ngoài ra các trường hợp người cao tuổi không còn người chăm sóc, phụng dưỡng đều được Nhà nước, cộng đồng hỗ trợ nuôi dưỡng theo chế độ hiện hành.
Đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình ngày càng được cải thiện đáng kể, trẻ em được gia đình quan tâm, nhất là trong giáo dục hình thành và phát triển nhân cách. Tỷ lệ gia đình thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em tăng lên. 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm, giúp đỡ.
Tỷ lệ gia đình được giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia trong ổn định và phát triển xã hội ngày càng tăng cao. Các gia đình giàu và khá giả tăng lên trong những năm gần đây, các hộ nghèo giảm nhanh nhờ sự hỗ trợ tích cực bởi các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách phát triển kinh tế, xã hội ưu tiên cho những vùng khó khăn. 100% gia đình liệt sĩ, gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình có công với nước được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, đồng thời các gia đình thuộc hộ nghèo, vùng có điều kiện khó khăn được Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể cộng đồng quan tâm chăm sóc, hỗ trợ nâng cao mức sống về vật chất và tinh thần
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế nhất định như:
Các nhiệm vụ của công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chưa thật sự gắn kết với các biện pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là đầu tư kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra.
Tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền còn hạn chế, kinh phí hoạt động hạn hẹp, các hoạt động tuyên truyền chủ yếu được tổ chức lồng ghép trong các hoạt động nên chưa mang tính chiều sâu, hiệu quả mang lại chưa cao.
Trong công tác xây dựng gia đình, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương chưa được nhịp nhàng, chưa được quan tâm đúng mức đến vai trò của gia đình, chưa phát huy được hết trách nhiệm của mỗi ngành; cán bộ, đảng viên và một số bộ phận Nhân dân còn xem nhẹ công tác gia đình, nhất là người dân ở các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Việc vận động nam giới tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền, sinh hoạt mô hình ở một số nơi còn khó khăn, nhất là người chồng thường xuyên có hành vi bạo lực với người vợ.
Mặc dù đã có nhiều mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động hiệu quả, tuy nhiên tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra. Một số phụ nữ bị bạo lực còn e ngại, xấu hổ, không dám lên tiếng tố cáo khi bị bạo lực nên cán bộ, Ban Chủ nhiệm các CLB không biết để can thiệp, giúp đỡ. Nội dung sinh hoạt và hoạt động của một số CLB phòng, chống BLGĐ chất lượng chưa cao.
Chưa có nhiều hình thức kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình và cộng đồng.
Công tác gia đình cũng còn gặp nhiều khó khăn khi đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình từ cấp tỉnh đến cơ sở còn thiếu. Cấp huyện đa số chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác gia đình. Ở cấp xã cán bộ văn hóa xã hội phải đảm nhiệm quá nhiều việc nên triển khai thực hiện công tác gia đình gặp nhiều hạn chế. Nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này còn quá ít ỏi, nên rất khó khăn trong việc triển khai các hoạt động.