Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Theo đó, Giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội và mỗi người dân trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giáo dục thế hệ trẻ, góp phần hoàn thiện nhân cách, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện từ gia đình, khơi dậy khát vọng cống hiến góp phần xây dựng và phát triển đất nước; Giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, góp phần hỗ trợ xây dựng gia đình các dân tộc trên địa bàn tỉnh no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 70% và đến năm 2030 đạt trên 90% hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 100% hộ gia đình được cung cấp tài liệu về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.; Phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt trên 95% công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; 100% đơn vị cấp xã có nội dung tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên hệ thống thông tin cơ sở hằng tháng; Phấn đấu hằng năm 100% học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục được tham gia sinh hoạt về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Phấn đấu hằng năm 100% cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, 7 nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Chương trình Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, gồm: Đổi mới công tác truyền thông nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về gia đình; Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình; Phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục đạo đức lối sống; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống trong gia đình; Tăng cường kiểm tra, giám sát và biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực và hiệu quả cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác gia đình, ưu tiên vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và nơi có khu công nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho cán bộ, người lao động tham gia, học tập nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động được xác định tại Kế hoạch này, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các đề án, chương trình của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 và các hoạt động khác có liên quan do các cơ quan, tổ chức khác chủ trì thực hiện; Tổ chức các hoạt động đôn đốc, kiểm tra, giám sát và định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.