Quy mô gia đình Việt Nam không ngừng nhỏ đi, đồng thời cấu trúc của gia đình cũng ngày càng đơn giản hơn theo hướng hạt nhân hóa. “Tỷ số phụ thuộc trẻ” không ngừng giảm xuống và “Tỷ số phụ thuộc già” không ngừng tăng lên. Thực trạng này đặt vấn đề về sự hạn chế khả năng giao tiếp con người của trẻ em và gánh nặng của gia đình trong chăm sóc người cao tuổi khi các dịch vụ xã hội chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế ở Việt Nam.
Đã xuất hiện nhiều loại hình gia đình mới như gia đình không hôn thú, gia đình dựa trên hôn nhân với người nước ngoài, gia đình đồng tính, v.v. Ngoài ra, một bộ phận thanh niên ngày nay không muốn lập gia đình, ngại sinh con. Họ không muốn ràng buộc vào cuộc sống có nhiều thách thức của gia đình, muốn có cuộc sống cá nhân tự do, thoải mái. Điều này ảnh hưởng đến cơ cấu dân số, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số của đất nước. Đây cũng là trở ngại lớn trong việc gia đình thực hiện chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình của nhà nước.
Đời sống kinh tế, phúc lợi gia đình Việt Nam trên các khía cạnh nhà ở, thu nhập, chi tiêu đã gia tăng khá mạnh mẽ trong thời kỳ Đổi mới. Tuy nhiên, bất bình đẳng về phúc lợi gia đình diễn ra giữa các nhóm thu nhập, giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn cũng ngày càng tăng. Hệ thống ASXH, phúc lợi xã hội có độ bao phủ thấp và nguồn lực hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến phúc lợi gia đình.