Tại Việt Nam, một số lượng lớn trẻ em không nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ đầy đủ của cha mẹ. Đối tượng tượng này bao gồm các em mất cha hoặc mẹ hoặc cả hai (trẻ mồ côi), trẻ em lang thang và trẻ em có cha mẹ làm việc xa nhà. Mặc dù chưa có số liệu chính thức song số lượng trẻ có bố mẹ làm việc xa nhà ngày càng tăng.
Điều tra Đánh giá các mục tiêu phụ nữ và trẻ em 2014 (MICS) chỉ ra số liệu và tỷ lệ trẻ em tại Việt Nam không có sự chăm sóc đầy đủ của cha mẹ: Khoảng 5% trẻ em tuổi từ 0-17 không sống cùng cha mẹ ruột của mình; 3,5% cha mẹ ruột đã mất và 1,3% trẻ em có cha hoặc mẹ ruột đang sống ở nước ngoài.
Hiện nay có rất nhiều vợ chồng trẻ làm việc trong các khu công nghiệp và họ thường có hai lựa chọn. Một là mang theo con đến sinh sống trong các khu nhà trọ xung quanh các nhà máy, phân xưởng hoặc gửi con cho bố mẹ, họ hàng ở quê nuôi nấng. Trẻ em sống với cha mẹ ở các khu nhà trọ thường phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại bởi những người lạ bởi môi trường sống rất phức tạp, nhiều thành phần. Trong khi đó, trẻ em phải sống ở quê lại thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của cha mẹ do phải đi làm ăn xa. Mặt khác, những trẻ em này thường bị xao nhãng, đánh, mắng, chửi bởi những người chăm sóc. Đã có nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại, cưỡng bức bởi chính những người họ hàng, hàng xóm trong khi bố mẹ đang làm việc xa nhà.
Theo dự báo thì tình hình di cư ở Việt Nam trong những năm tới vẫn sẽ tiếp tục, đặc biệt là dòng di cư nông thôn – đô thị. Theo đó, trẻ em sẽ bị ảnh hưởng theo 3 cách chính: Do cha mẹ các em khi di cư thường bỏ lại hoặc đưa các em đi cùng, hoặc các em tự mình dư cư khỏi quê nhà. Trong hầu hết các trường hợp, các em phải đối mặt với cảnh gia đình xa cách, việc học bị gián đoạn, đứt gãy các mối quan hệ xã hội và nguy cơ bị xâm hại.