Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã xây dựng báo cáo số 139/BC-UBND về việc Tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010-2020
Về kết quả đạt được: trước hết là được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác gia đình. Sự phối hợp hoạt động đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự phối hợp giữa chính quyền với mặt trận, đoàn thể đã tạo hiệu quả cao, đồng thời khắc phục sự thiếu thống nhất, chồng chéo trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Thành phố đã có những chính sách, Chương trình an sinh xã hội, cụ thể liên quan đến Gia đình như: Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, Chương trình “Thành phố 4 an”, các Chỉ thị của Thành ủy: Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 10/8/2009 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư vi phạm pháp luật, Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20/10/2009 về phòng, chống bạo lực gia đình, Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 24/4/2020 về xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn-không bạo lực với phụ nữ và trẻ em… đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Vấn đề dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao mức sống người có công, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, góp phần thực hiện tốt công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các cấp ủy Đảng và chính quyền chủ động rà soát, đánh giá tình hình gia đình tại địa phương và xác định công tác gia đình là nội dung quan trọng, nhiệm vụ thường xuyên khi xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, 5 năm của địa phương. Nhận thức về vị trí, vai trò và trách nhiệm của gia đình đối với sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội; trách nhiệm của gia đình đối với cộng đồng và từng thành viên trong gia đình của các cấp lãnh đạo và nhân dân từng bước được nâng cao. Xây dựng Gia đình văn hoá, phong trào thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội ngày càng được thực hiện rộng rãi trong nhân dân, tệ nạn xã hội và hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình còn những hạn chế như: Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 – 2010 đã kết thúc năm 2010 nhưng đến tháng 5/2012 Chính phủ mới ban hành Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 nên gây khó khăn cho địa phương trong việc triển khai thực hiện. Nhận thức về vị trí, vai trò và trách nhiệm của gia đình đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội; trách nhiệm của gia đình đối với cộng đồng và từng thành viên trong gia đình của một số cấp lãnh đạo và nhân dân có lúc, có nơi chưa chú trọng, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Chiến lược. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương có lúc, có nơi chưa đồng bộ. Một số đơn vị chưa thấy trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Quản lý của một số ngành về số liệu có liên quan đến công tác gia đình chưa đầy đủ. Công tác tuyên truyền giáo dục còn hạn chế, chưa phong phú về hình thức và nội dung nên chưa làm thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi mạnh mẽ trong nhân dân, nhất là đối với vấn đề PCBLGĐ, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Các vấn đề về công tác quản lý nhà nước gia đình nhìn chung còn nhiều điều cần phải giải quyết như: tình trạng ly hôn, sống chung không kết hôn, việc nạo phá thai có chiều hướng gia tăng, các tệ nạn xã hội, nạn dịch HIV/AIDS, ma túy, cờ bạc, bạo lực gia đình… đang còn diễn biến phức tạp và xâm nhập vào từng gia đình, nhất là thế hệ thanh thiếu niên. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp còn thiếu và thường xuyên biến động. Kinh phí dành cho công tác gia đình còn thấp, đặc biệt là ở quận, huyện, phường, xã.