Trong những năm qua, để khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên du lịch của địa phương, tranh thủ các cơ hội thuận lợi trong nước và các vùng lân cận, tạo bước phát triển đột phá cho ngành du lịch trong thời kỳ mới theo tinh thần nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành tham mưu triển khai hàng loạt các văn bản chỉ đạo thực hiện trong lĩnh vực quản lý và phát triển du lịch gắn với việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong các nội dung chỉ đạo về công tác đào tạo nguồn nhân lực có sự lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt việc tuyển dụng sử dụng lao động và trẻ em làm việc tại các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác trên địa bàn tỉnh.
Qua thời gian triển khai thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là công tác thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm hình thành các khu, điểm du lịch của địa phương đã được khởi công xây dựng theo từng năm. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động quản lý nhà nước về du lịch như cấp phép cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; cấp phép kinh doanh lữ hành nội địa, lữ hành Quốc tế; cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; hướng dẫn kinh doanh các khu, điểm du lịch; các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch. Các báo cáo viên cấp tỉnh trong lĩnh vực du lịch và cán bộ công chức ngành du lịch tỉnh tích cực thông tin và tuyên truyền tới các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch kiên quyết từ chối không nhận lao động là trẻ em, không sử dụng lao động là trẻ em dưới mọi hình thức.
Chính vì vậy, trong những năm qua ngành du lịch tỉnh chưa ghi nhận trường hợp trẻ em bị xâm hại phải hỗ trợ, can thiệp bảo vệ khi hoặc có nguy cơ bị xâm hại trong hoạt động du lịch.