Kết quả đạt được
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức các lớp tập huấn phổ biến giáo dục pháp luật, nghiệp vụ về công tác du lịch trong đó có nội dung về phòng, chống xâm hại trẻ em tới cán bộ, nhân viên các cơ sở kinh doanh du lịch tại các địa bàn phát triển như Khánh Hòa, Lào Cai, Quảng Ninh, Đà Nẵng… Nhiều tỉnh, thành cũng tổ chức các lớp tập huấn cho những người làm dịch vụ kinh doanh du lịch, hướng dẫn viên du lịch, trang bị kiến thức về hoạt động bảo vệ trẻ em không bị bóc lột, xâm hại trong hoạt động du lịch.
Tổ chức Chiến dịch truyền thông tuyên truyền, cảnh báo về phòng, chống xâm hại trẻ em tại cơ sở kinh doanh du lịch và thông báo, và hướng dẫn gọi về số 111 – Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em khi phát hiện có hành vi/ nguy cơ xâm hại trẻ em.
Nhiều tỉnh/thành đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch tuyên truyền, khuyến khích các hội viên (các khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch…) không sử dụng lao động trẻ em tham gia các hoạt động kinh doanh du lịch. Thông qua hoạt động quản lý nhà nước về du lịch như cấp phép các hoạt động dịch vụ văn hóa, du lịch yêu cầu các tổ chức, cá nhân cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm; phòng, chống mua bán người trong đó có mua bán trẻ em; thực hiện đúng các quy định về an toàn trong tổ chức các hoạt động du lịch và khuyến khích, cam kết không sử dụng lao động trẻ em.
Qua báo cáo của các địa phương, chưa phát hiện vụ việc trẻ em bị xâm hại trong các hoạt động kinh doanh du lịch.
Tồn tại, hạn chế; khó khăn, vướng mắc
Sự phối hợp thực hiện phòng, chống xâm hại trẻ em giữa các cơ quan ban ngành và các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ du lịch còn thiếu chặt chẽ và hiệu quả cao.
Kinh phí cho hoạt động này rất hạn chế, do đó chưa tổ chức được nhiều các hoạt động truyền thông, in tài liệu tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em trong hoạt động du lịch tới các cơ sở kinh doanh du lịch, du khách và người dân.
Tại các tỉnh, thành có du lịch phát triển, nhiều gia đình do hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã để con cái đi bán hàng rong, làm việc tại các quán ăn nhỏ lẻ phục vụ khách du lịch gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý. Trong khi các em chính là những đối tượng dễ có nguy cơ bị xâm hại.
Cùng với sự phát triển của du lịch, nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong đó có cả những đối tượng đã có tiền án về xâm hại trẻ em. Tuy nhiên việc hạn chế, cấm nhập cảnh, theo dõi với những người có án xâm hại trẻ em chưa được thực hiện đầy đủ, chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Điều này có khả năng làm gia tăng nguy cơ trẻ em bị xâm hại trong hoạt động du lịch.