Theo đó, Sở đã phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; Đề án tuyên truyền đạo đức lối sống trong gia đình. Đến nay, toàn tỉnh có 65 xã, phường, thị trấn thực hiện Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, câu lạc bộ tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, nhóm xung kích phòng, chống bạo lực gia đình. Tại các thôn, khu phố thuộc xã, phường, thị trấn của tỉnh, đã thành lập địa chỉ tin cậy, cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình. UBND cấp xã và Ban điều hành thôn, khu phố thiết lập đường dây nóng bằng cách công bố số điện thoại của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc phòng, chống bạo lực gia đình để nhân dân tại địa bàn biết. Tại mỗi thôn, khu phố thuộc các xã, phường, thị trấn triển khai Mô hình, các địa bàn triển khai thành lập 01 câu lạc bộ. UBND cấp xã ra quyết định thành lập Câu lạc bộ, đồng thời ban hành quy chế sinh hoạt Câu lạc bộ. Tuỳ theo thực tế từng địa bàn triển khai, địa điểm sinh hoạt có thể tại trụ sở nhà văn hoá xã/phường, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà thành viên Ban chủ nhiệm hoặc nhà các thành viên Câu lạc bộ… Nội dung tuyên truyền chú trọng giáo dục về vai trò, vị trí, ý nghĩa của đạo đức lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dân tộc, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong gia đình. Bên cạnh đó, Công đoàn cơ sở ngành đã chỉ đạo các công đoàn bộ phận lồng ghép tuyên truyền về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, trong các đợt sinh hoạt định kỳ.
Các hoạt động nêu trên đã góp phần nâng cao nhận thức về công tác trẻ em; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc…. Từ đó, từng bước hình thành gia đình văn hóa với khuôn mẫu thời đại, trong đó “ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con, cháu thảo hiền”, “người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”, gia đình không có tệ nạn xã hội, gia đình làm việc theo pháp luật…