Từ năm 2008 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành, các địa phương tuyên truyền, chú trọng giáo dục về vai trò, vị trí, ý nghĩa của đạo đức lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dân tộc, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong gia đình. Triển khai Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; Đề án tuyên truyền đạo đức, lối sống trong gia đình. Đến nay toàn tỉnh đã có 433 địa chỉ tin cậy của các xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố thường xuyên hoạt động. Những cơ sở trên bước đầu đã phát huy vai trò trong việc trợ giúp các nạn nhân bị bạo lực gia đình khi có yêu cầu. Có 958 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình được thành lập, với trên 25.800 hội viên, phần lớn các câu lạc bộ đã xây dựng được kế hoạch, ban hành Quy chế hoạt động, tổ chức ra mắt và sinh hoạt định kỳ 2 tháng 1 lần; hàng năm tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm. Trong các buổi sinh hoạt, ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã trao đổi thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình, cách giải quyết các vụ bạo lực gia đình ở thôn, tổ dân phố đến các thành viên; hướng dẫn theo dõi nắm bắt kịp thời những gia đình có nguy cơ xảy ra bạo lực để có biện pháp phòng ngừa. Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ, đã tích cực tuyên truyền, vận động, góp phần nâng cao nhận thức về công tác trẻ em; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Từ đó từng bước hình thành gia đình văn hóa với khuôn mẫu thời đại, trong đó “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”, gia đình không có tệ nạn xã hội, gia đình làm việc theo pháp luật.
Theo số liệu thống kê của 10 huyện, thành phố, từ năm năm 2015 đến năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 38 vụ bạo lực gia đình, với độ tuổi dưới 16 tuổi.
Kết quả công tác hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ trẻ em bị bạo lực gia đình hoặc có nguy cơ bị bạo lực gia đình: Góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, xử lý hình sự, áp dụng các biện pháp giáo dục tại địa phương:
Số trẻ em được hỗ trợ, can thiệp là 38;
Các hình thức, biện pháp hỗ trợ, can thiệp: Tư vấn tâm lý, chăm sóc hỗ trợ sau bạo lực ở các trung tâm y tế.
Kết quả hỗ trợ, can thiệp: Nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ trẻ em, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc. Kết quả xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình: Tổng số 958 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, 528 đường dây nóng, 433 nhóm phòng chống bạo lực gia đình.
Hàng năm, Sở đã xây dựng kế hoạch và tổ chức nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình căn cứ dự toán ngân sách mỗi năm được 06 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho khoảng 1.200 học viên là các cán bộ làm công tác gia đình các cấp và các chủ nhiệm các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình.