Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) thực hiện nhiệm vụ điều phối liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) theo quy định của Luật PCBLGĐ. Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về PCBLGĐ; tổng hợp, phân tích về tình hình PCBLGĐ; tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng các Mô hình PCBLGĐ; biên tập, cung cấp thông tin về PCBLGĐ.
Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế phối hợp liên ngành về PCBLGĐ” (Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ngày 17/5/2016). Nội dung phối hợp tập trung vào: Phòng ngừa BLGĐ; Thực hiện các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; Thống kê, báo cáo số liệu về PCBLGĐ; Thanh tra, kiểm tra về PCBLGĐ. Ban hành Công văn số 5139/BVHTTDL-GĐ ngày 13/12/2016 Hướng dẫn triển khai Quy chế phối hợp liên ngành về PCBLGĐ.
Việc triển khai Quy chế phối hợp liên ngành đã được thực hiện thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Sự thống nhất điều hành cơ chế phối hợp đã phát huy vai trò của cơ quan điều phối, cân đối trong đầu tư nguồn lực, tránh chồng chéo, bỏ trống nhiệm vụ, bảo đảm tính chủ động, kịp thời, nghiêm túc trong thực thi pháp luật và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Một số địa phương, Bộ, ngành đã chủ động triển khai Quy chế, xây dựng kế hoạch và đầu tư nguồn lực tổ chức thực hiện theo các nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội trong PCBLGĐ còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện Quy chế còn thấp (35%). Công tác phối hợp liên ngành tại địa phương còn lúng túng do sự chỉ đạo thống nhất từ các cơ quan Trung ương chưa thực sự đồng bộ, đặc biệt trong việc triển khai các mô hình PCBLGĐ và thu thập, tổng hợp thông tin, báo cáo tại cơ sở. Nguồn lực đầu tư cho các hoạt động phối hợp liên ngành, các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình từ Trung ương tới địa phương còn rất hạn chế. Việc triển khai, thực hiện Bộ chỉ số theo dõi và đánh giá thực hiện Chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ đến năm 2020 hết sức khó khăn do chưa có mạng lưới cộng tác viên thu thập dữ liệu tại cơ sở.