Về kết quả đạt được: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền các văn bản pháp luật về chăm sóc và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, ưu tiên tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo, tố giác về bạo lực, xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em là nạn nhân trong quá trình tố tụng. Phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về bảo vệ trẻ em; kỹ năng phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; phát hiện, lên tiếng tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Phối hợp thực hiện “Mùa hè an toàn cho trẻ em”, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở trong quản lý, giám sát, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích và phòng, chống tai nạn, thương tích trong dịp hè. Phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Thái Nguyên thực hiện và phát sóng 12 số/năm Chuyên mục truyền hình “Nếp sống văn hóa và gia đình” và chuyên mục tuyên truyền Phong trào TDĐKXDĐSVH. Tổ chức tuyên truyền trực quan 560 băng rôn trên các trục đường chính của thành phố Thái Nguyên nhân kỷ niệm các Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình (từ ngày 01/6- đến 30/6/2016) và kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11. Đồng thời đưa tin, bài tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, vai trò và trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin văn hóa, thể thao, du lịch…. Biên tập, in ấn và phát hành 3.525 cuốn sách “Hướng dẫn sinh hoạt CLB Gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững” cấp phát cho cơ sở; cấp phát 435 cuốn sách, 45 đĩa CD tuyên truyền phổ biến kiến thức về gia đình, vận động nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình; kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình, dòng họ gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển. Sở đã chỉ đạo tổ chức thành công 03 Hội thi: Hội thi các Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” tỉnh Thái Nguyên lần thứ nhất năm 2016, Hội thi “Xây dựng gia đình hạnh phúc” tỉnh Thái Nguyên năm 2017; Hội thi các Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” tỉnh Thái Nguyên lần thứ Hai năm 2018. Thông qua hội thi, các CLB và gia đình đã được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, đồng thời tạo sự đoàn kết, gắn bó của nhân dân các địa phương trong tỉnh. Hội thi cũng đã góp phần đa dạng hóa công tác tuyên truyền về công tác gia đình, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, các gia đình và toàn xã hội trong việc thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Tổ chức 06 lớp tập huấn về công tác gia đình và Phòng, chống bạo lực gia đình cho cơ sở.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của tỉnh và địa phương, Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện đã chủ động tham mưu tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu trên các tuyến đường chính, bảng tin điện tử, màn hình Led tại các khu trung tâm, khu đông người; hệ thống các trạm loa truyền thanh không dây của các xã, phường, thị trấn, các cụm loa của thôn xóm, tổ dân phố tập trung vào tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới; nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán và ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, cộng đồng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực đem lại hạnh phúc cho gia đình và cộng đồng… Kết quả, căng treo 3.289 băng rôn, pa nô tuyên truyền; phát trên 454 tin, bài, phóng sự tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức truyền thông bằng xe lưu động được 385 cuộc; phát 11.000 tờ gấp tuyên truyền với trên 450 đầu sách phổ biến luật; tổ chức hơn 800 buổi mít tinh nhân kỷ niệm các ngày về gia đình; tổ chức 345 hội thi tuyên truyền, sân khấu hóa về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Ngoài ra, các hoạt động hưởng ứng còn được tổ chức lồng ghép gắn với truyền thống văn hóa của địa phương và các ngày lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3 hằng năm bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp, thiết; lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt xóm, thôn, tổ dân phố; sinh hoạt Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững/CLB phòng, chống bạo lực gia đình để chuyển tải các thông điệp, ý nghĩa về hôn nhân gia đình, phấn đấu phát triển kinh tế thoát nghèo, nuôi dạy con tốt, nêu gương người tốt, việc làm tốt, phê phán các hành vi bạo lực gia đình, các tệ nạn xã hội. Lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ chăm sóc và giáo dục kỹ năng sống và bảo vệ bản thân cho trẻ em tại các địa chỉ tin cậy ở các xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố; tại các buổi sinh hoạt CLB Phòng, chống bạo lực gia đình/CLB Gia đình phát triển bền vững.
Về tồn tại, hạn chế: Đời sống của một bộ phận nhân dân ở khu vực nông thôn, miền núi, dân tộc còn nhiều khó khăn; nhận thức về kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa lạo lực, xâm hại trẻ em, trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em còn nhiều hạn chế; Việc nghiên cứu xây dựng và cung cấp tài liệu cho công tác tuyên truyền còn hạn chế, nội dung tài liệu tuyên truyền chưa phong phú, nhất là nguồn tài liệu do trung ương biên soạn để phục vụ cho các đối tượng tuyên truyền; Nguồn lực hỗ trợ cho triển khai các hoạt động về công tác gia đình, công tác trẻ em ở các cấp, các ngành chưa được quan tâm đúng mức, chưa phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương dẫn đến hiệu quả triển khai thực hiện chưa cao.