Từ ngày 01/7/2008 đến ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang trong quá trình giải quyết. Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình như: bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn). Theo quy định, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải các vụ việc ly hôn. Báo cáo của ngành Tư pháp cho thấy năm 2014 tiếp nhận hòa giải 31.528 vụ việc bạo lực gia đình, năm 2015 là 33.966 vụ.
Về hoạt động tư vấn, thực hiện nhiệm vụ tại Nghị định số 08/2009/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL ngày 16 tháng 3 năm 2010 quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, Thông tư số 23/2014/TT-BVHTTDL sửa đổi một số điều của Thông tư số 02 nêu trên; cơ sở tư vấn về PCBLGĐ; tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; cấp thẻ nhân viên tư vấn; chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn và tập huấn PCBLGĐ.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2008/NĐ-CP; Nghị định số 81/2012/NĐ-CP bổ sung một số điều trong Nghị định số 68/2012/NĐ-CP; Nghị định số 136/2013/NĐ-CP; Nghị định số 103/2017/NĐ-CP; phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình vào nội dung tuyên truyền về quyền của trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình; phối hợp với các cơ quan truyền thông như kênh VTV1, VOV giao thông tổ chức sản xuất chương trình “Một giờ đường dây nóng” và Chương trình truyền hình “Vì trẻ em” phát sóng hàng tuẩn để tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Xây dựng tài liệu hướng dẫn làm việc với nam giới gây bạo lực dành cho nhân viên công tác xã hội. Hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện chăm sóc, tư vấn tâm lý, bố trí nơi tạm lánh và hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho nạn nhân bạo lực gia đình. Hiện nay, tại 63 tỉnh/thành có 418 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và 40 Trung tâm công tác xã hội chuyên sâu, với tổng số cán bộ, nhân viên, công tác xã hội làm việc tại cơ sở và tại mạng lưới cấp xã là 30.000 người. Bộ đã chỉ đạo lồng ghép nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình trong các Chương trình giải quyết việc làm; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội trong hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, giáo dục nghề nghiệp.
Hội LHPN Việt Nam tổ chức một số mô hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích cho hội viên, phụ nữ trong đó có phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ. Mô hình Tổ trợ giúp pháp lý miễn phí tại nhiều tỉnh thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đắk Lắk…đã hoạt động khá hiệu quả, kịp thời tư vấn pháp luật, kiến thức PCBLGĐ cho hội viên, phụ nữ nói chung và nạn nhân BLGĐ nói riêng. Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành thành lập đội can thiệp nhanh tại cơ sở, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ BLGĐ, bảo vệ nạn nhân nhằm kết hợp với tư vấn kiến thức, kỹ năng phòng chống BLGĐ. Mô hình Ngôi nhà bình yên do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thực hiện đã trở thành địa điểm tin cậy trong hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị mua bán, bị BLGĐ phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.