Từ năm 2008 đến nay, Bộ VHTTDL đã tổ chức 20 lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cũng như phổ biến, triển khai các văn bản mới về lĩnh vực gia đình và PCBLGĐ. Đối tượng tập huấn ngoài công chức trong ngành VHTTDL, còn có đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các tỉnh/thành phố tham gia các lớp tập huấn này. Ngoài ra, Bộ VHTTDL còn phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,… tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về gia đình và PCBLGĐ.
Việc bồi dưỡng báo cáo viên, giảng viên quốc gia và cấp tỉnh được tập trung thực hiện. Bộ đã tiến hành cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn nghiệp vụ cho 274 học viên của các Bộ, ngành và Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng Đề án ngành Gia đình học, thành lập Khoa Gia đình và Công tác Xã hội tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Khoa Gia đình và Công tác Xã hội đã đào tạo được 3 khóa sinh viên ra trường (Khoảng 100 sinh viên ra trường) và 4 khóa đang học với hơn 150 sinh viên.
Thực hiện khoản 6 Điều 36 Luật PCBLGĐ về hợp tác quốc tế trong PCBLGĐ, Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam vận động kinh phí và tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài trong triển khai Luật PCBLGĐ. Từ năm 2008 đến nay, Bộ đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức như: Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch; Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch-DANIDA; Quỹ Dân số liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA); Cơ quan-Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID); Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF)… trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và triển khai các hoạt động tuyên truyền can thiệp về PCBLGĐ, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức trong lĩnh vực gia đình.
Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng tài trợ cho Hội Nông dân Việt Nam 1.100.000 USD thông qua Dự án “Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội Việt Nam trong việc ứng phó bạo lực giới và một số vấn đề dân số cần quan tâm” và Dự án “Hỗ trợ xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình và giải quyết vấn đề liên quan đến mại dâm dựa trên bằng chứng và tiếp cận quyền con người”. Ngoài ra, Quỹ dân số Liên hợp quốc đã thông qua Hội Nông dân tài trợ 2000 bộ công cụ thiết yếu dành cho phụ nữ có nguy cơ cao bị BLGĐ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng (ước tính trị giá 2 tỷ đồng).
Các tổ chức quốc tế còn hỗ trợ kinh phí để triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCBLGĐ như: Tổ chức chiến dịch truyền thông PCBLGĐ cấp quốc gia (năm 2008) phát động 1 triệu chữ ký nói không với BLGĐ; Tổ chức chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25/11) liên tục từ năm 2013 đến năm 2015. Tổ chức khóa học tập kinh nghiệm triển khai các hoạt động can thiệp hỗ trợ nạn nhân BLGĐ của Thụy Điển cho cán bộ thuộc một số Bộ, ngành và địa phương. Hỗ trợ tăng cường năng lực cho các nhóm hỗ trợ nạn nhân BLGĐ ở cấp cơ sở, truyền thông trực tiếp tại cấp trung ương và địa phương để hỗ trợ cải thiện chương trình can thiệp và vận động chính sách; xây dựng và triển khai thí điểm Gói can thiệp tối thiểu về PCBLGĐ (MIP- đã được thí điểm thành công và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép trong hoạt động chung của Mô hình PCBLGĐ do Bộ chỉ đạo triển khai trên phạm vi toàn quốc); rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật PCBLGĐ từ năm 2008 đến năm 2016.