Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương hình thành và phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 418 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập (195 cơ sở công lập và 223 cơ sở ngoài công lập), trong đó có 40 Trung tâm công tác xã hội, với tổng số 30.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội làm việc tại các cơ sở và tại mạng lưới cấp xã. Đối tượng phục vụ của các cơ sở trợ giúp xã hội, bao gồm: đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp (nạn nhân bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị mua bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động; trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú)…
Các cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ chăm sóc, tư vấn, tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho đối tượng; tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để bảo vệ, trợ giúp đối tượng; tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc tại cộng đồng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối tượng rơi vào hoàn cảnh khó khăn và bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi; tư vấn, truyền thông và thực hiện các biện pháp hỗ trợ các gia đình và cộng đồng có nhiều vấn đề về bạo lực gia đình.
Đến nay, các cơ sở trợ giúp xã hội đã tổ chức cung cấp dịch vụ cho hàng chục ngàn lượt đối tượng có nhu cầu, trong đó có nhóm đối tượng nạn nhân của bạo lực gia đình, người gây bạo lực gia đình. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các tỉnh, thành phố rà soát, sắp xếp, kiện toàn và từng bước chuyển đổi từ mô hình cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với các nhóm đối tượng nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới và các đối tượng khác.
Đảm bảo các chính sách về phúc lợi cho phụ nữ và trẻ em: ổn định việc làm, tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ thông qua các hoạt động thúc đẩy tạo việc làm trong các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và xuất khẩu lao động; tiếp nhận các đối tượng yếu thế, chủ yếu là người già neo đơn, phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới, trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình, trẻ em bị xâm hại tình dục được các cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận và thực hiện các hoạt động can thiệp, trợ giúp để phục hồi chức năng, chăm sóc, tư vấn, tham vấn trị liệu, trợ giúp khám chữa bệnh, học nghề, tạo việc làm.
Tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về: tiếp nhận và cung cấp nơi ăn nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội, các trường hợp ốm đau, sức khỏe yếu được hỗ trợ chữa trị ban đầu, trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn; hỗ trợ tại cộng đồng gắn với các hoạt động như hỗ trợ tâm lý xã hội, pháp lý, y tế, học nghề, việc làm, học văn hóa và bảo vệ nạn nhân tố giác tội phạm; hỗ trợ tại các trung tâm, nhà tạm lánh dành cho nạn nhân, các trường hợp đặc biệt khó khăn được cung cấp nơi ăn, nghỉ, tư vấn tâm lý xã hội, học văn hóa, học nghề, hoặc khám chữa bệnh theo nhu cầu và khả năng của đối tượng; hỗ trợ thông qua các hoạt động lồng ghép, phòng ngừa và tái hòa nhập cộng đồng tại xã, phường như tổ chức các lớp dạy nghề cho phụ nữ, trẻ em thuộc diện nghèo, tạo việc làm, vay tín dụng… gắn với hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người; hỗ trợ thông qua thành lập các nhóm tự lực góp phần nâng cao năng lực và tái hòa nhập cộng đồng bền vững.
Hàng năm, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ cho khoảng 200 – 300 nạn nhân bị mua bán trở về. Sau khi tiếp nhận, 100% nạn nhân đều được tiếp cận, tư vấn và thực hiện chế độ hỗ trợ để các nạn nhân ổn định tâm lý, sức khỏe, chuyển tuyến, tái hòa nhập cộng đồng theo quy định. Riêng nạn nhân là trẻ em, chính quyền địa phương hướng dẫn thủ tục làm giấy khai sinh cho các em. Trong những năm qua, một số tỉnh, thành phố đã thành lập được các mô hình hỗ trợ nạn nhân, điển hình như Lào Cai với mô hình “Nhà nhân ái”, tỉnh An Giang với mô hình “Ngôi nhà tình thương”; các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình với mô hình “Nhóm tự lực”; tỉnh Nghệ An với chương trình “Phòng, chống mua bán người qua biên giới” tại một số huyện giáp ranh với đường biên giới… Các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng đã được các địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn.