Kết quả đạt được
Việc lồng ghép đảm bảo các điều kiện cho trẻ em được vui chơi giải trí, tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch không chỉ thực hiện trách nhiệm được giao tại Luật trẻ em mà còn góp phần giảm thiểu và hạn chế tình trạng trẻ em bị xâm hại hiện nay. Khi các em tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sẽ nâng cao được thể chất, tinh thần, kỹ năng sống, hiểu biết, kiến thức để tự bảo vệ mình trước những nguy cơ có thể bị xâm hại. Các em cũng không bị sa vào các tệ nạn xã hội, giảm bớt những tác động xấu và nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng.
Để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ em, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tiếp tục thực hiện Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tham mưu Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều cơ chế, chính sách về tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đối tượng trẻ em tại các thiết chế này.
Để đáp ứng nhu cầu, bảo đảm đầy đủ cơ sở, địa điểm sinh hoạt văn hóa, luyện tập thể dục thể thao cho trẻ em tại cộng đồng, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được hoàn thiện, phát huy vai trò, hoạt động trong việc phục vụ nhu cầu của người dân, trong đó có trẻ em. Hiện nay, cả nước có 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 651/713 quận, huyện có Trung tâm văn hóa – Thể thao hoặc Nhà văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 91%; 7.456/10.184 xã, phường thị trấn có Trung tâm Văn hóa – Thể thao, đạt tỷ lệ 73,2% và có 75.966/101.732 thôn, bản… có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 74,7%. Hệ thống này có ý nghĩa rất thiết thực với địa bàn dân cư, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc… nơi còn khó khăn, hạn chế về các dịch vụ vui chơi giải trí, tập luyện thể thao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, vui chơi giải trí tiếp cận thông tin và sáng tạo các giá trị văn hóa của người dân ở cơ sở.
– Để trẻ em được tiếp cận thông tin và bảo đảm thông tin, được tạo điều kiện sử dụng thư viện và tham gia các hoạt động, dịch vụ thư viện phù hợp lứa tuổi, Bộ đang xây dựng dự thảo Luật thư viện, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Trong đó có những nội dung cụ thể quy định về quyền sử dụng thư viện của trẻ em. Thông tư số 33/2018/TT-BVHTTDL ngày 15/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu cũng nhằm giúp hệ thống thư viện công cộng có căn cứ triển khai các hoạt động phục vụ lưu động ngoài thư viện đến các đối tượng khác nhau, trong đó có đối tượng trẻ em.
Hệ thống thư viện được kiện toàn, tăng cường hoạt động phục vụ thiếu nhi trong các thư viện công cộng. Đến nay, hệ thống thư viện phục vụ thiếu nhi đã được phát triển rộng khắp gồm: Thư viện thiếu nhi; Phòng đọc phục vụ thiếu nhi trong các thư viện cộng cộng cấp tỉnh, huyện; Thư viện thuộc các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông; Thư viện tư nhân; các thư viện khác có phục vụ trẻ em (thư viện trong các cung văn hóa, nhà văn hóa) với hơn 50% tổng số người sử dụng thư viện là trẻ em. Thư viện cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm sách báo, hội thi vẽ tranh, giới thiệu sách trên đài phát thanh, truyền hình, tổ chức chiếu phim, các trò chơi dân gian, Liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách, thi tìm hiểu kiến thức qua sách báo… nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của cả nước. Nhiều tỉnh đã dùng xe thư viện lưu động phục vụ thiếu nhi vùng sâu, vùng xa – những vùng trẻ em ít có điều kiện tiếp cận với sách báo, thông tin, thu hút được đông đảo trẻ em đến đọc và nghiên cứu.
Tồn tại, hạn chế; khó khăn, vướng mắc
Nguồn lực thực hiện các hoạt động đảm bảo quyền được vui chơi giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch của trẻ em còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao chủ yếu dùng chung, không có khu vui chơi riêng biệt cho trẻ em.
Công tác trẻ em, trong đó có phòng, chống xâm hại trẻ em không phải là nhiệm vụ trọng tâm, chuyên sâu của các cơ quan, đơn vị, do đó các đơn vị thường lồng ghép nên kết quả đạt được chưa cao.
Mạng lưới thư viện, các thiết chế văn hóa, thể thao chưa đồng đều chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, trung tâm huyện lỵ; những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, dân tộc ít người, hệ thống này ít về số lượng, không có nhiều hoạt động phong phú phục vụ thiếu nhi.
Nhận thức của các cấp chính quyền, các thành viên trong gia đình về quyền được vui chơi giải trí cho trẻ em chưa đầy đủ. Kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trong gia đình của phần đông mọi người, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người còn hạn chế.