Trao đổi với phóng viên Báo Hà Nội mới về công tác bảo vệ trẻ em, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: Trẻ em chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân trước hành vi bạo lực, bóc lột, xâm hại, do đó cần có sự tham gia từ nhiều phía thông qua khung pháp lý phù hợp. Đó chính là công cụ mềm để bảo vệ trẻ em từ cơ sở.
Những năm gần đây, các cơ quan chức năng, gia đình và cộng đồng cùng quan tâm, chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện để trẻ được sống, học tập, vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn tồn tại dai dẳng, diễn ra ở nhiều nơi, chủ yếu do người thân, quen với trẻ gây ra. Chỉ riêng năm 2021, Tổng đài quốc gia về trẻ em 111 (Tổng đài 111) đã tiếp nhận tổng số hơn 500.000 cuộc gọi để phản ánh về các vấn đề liên quan đến trẻ em, trong đó có hơn 35.000 cuộc gọi được tư vấn, hỗ trợ, tăng hơn 11% so với năm 2020. Qua sàng lọc thông tin, Tổng đài 111 đã kết nối với các cơ quan chức năng để hỗ trợ, can thiệp 1.257 vụ việc. Đáng nói, 67% số trẻ em bị bạo lực, xâm hại ngay trong gia đình.
Còn theo thống kê của Bộ Công an, mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 2.000 vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng. Đại đa số đối tượng có hành vi bạo lực, bạo hành là bố, mẹ, cha dượng, mẹ kế… của trẻ gây ra. Đó là những con số nhức nhối, cần được ngăn chặn, phòng ngừa.
Ngoài hệ thống pháp lý đã có, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, có hiệu lực từ ngày 01-01-2022. Quy định này có những điểm mới:
Quy định rõ các hành vi làm ảnh hưởng tiêu cực trẻ em sẽ bị xử phạt, xử lý. Chẳng hạn, người có hành vi cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em… sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng. Bố, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em sẽ bị phạt 20-25 triệu đồng.
Đặc biệt, hành vi không thông báo, không cung cấp hoặc che giấu thông tin về trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bạo lực, xâm hại; không bảo mật thông tin, thông báo tố giác hành vi xâm hại trẻ em; không can thiệp kịp thời đối với các vụ việc xảy ra đối với trẻ em… sẽ bị xử phạt nặng.