Nhiều người cho rằng hạnh phúc gia đình là vấn đề thực sự to lớn, đòi hỏi cần có sự nỗ lực tột bậc của mỗi người thì mới đạt tới. Điều đó chưa hẳn đã đúng với nhiều gia đình khi mà trong cuộc sống vốn mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh.
Lịch sử hình thành gia đình có hàng vạn năm cũng đã dần hình thành rõ nét những cách ứng xử của mỗi thành viên trong một mái nhà. Hạnh phúc gia đình được hình thành, gieo mầm, nuôi dưỡng, Phát triển bắt nguồn từ cách ứng xử đó. Xã hội càng tiến bộ, càng văn minh thì tiêu chí, nguyên tắc, cách thức ứng xử trong gia đình càng được coi trọng, nước có quốc pháp, nhà có gia phong là thế.
Trong một gia đình việc tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ với nhau của mọi thành viên chính là sự kết nối song hành với yếu tố huyết thống và sự ràng buộc về pháp lý. Cách ứng xử của con cái với cha mẹ, cháu chắt với ông bà hiếu thảo, lễ phép, kính trọng, tận tụy là tối cần thiết.
Hạnh phúc gia đình không phải là cỗ xe thần diệu tự nó vận hành, ban tặng cho mỗi gia đình. Hạnh phúc là điều giản dị bắt đầu từ hành vi ứng xử giữa con người với con người. Từ ứng xử tốt đẹp phù hợp dẫn đến sự nảy nở của tình cảm. Từ tình cảm trong sáng sinh ra tình yêu thương. Và bắt nguồn từ tình yêu thương đã hình thành nên gia đình mà đích đến của nó là tổ ấm hạnh phúc, là bến đỗ đời người.
Không ít người trong chúng ta chưa chú trọng đến hành vi ứng xử trong gia đình mình, thậm chí nhiều người còn sao nhãng, hời hợt. Họ cho rằng người trong nhà cần gì phải màu mè khách sáo. Họ tiết kiệm tối đa mọi cử chỉ, giảm đến tối thiểu mọi lời nói, bỏ qua những chăm sóc thương yêu. Họ chỉ lo ứng xử lịch lãm với bên ngoài để tỏ ra là người có văn hóa, có học thức và coi trọng đạo đức xã hội. Họ quên mất rằng mọi rạn nứt và xung đột trong gia đình đều bắt nguồn từ việc ứng xử bị mắc lỗi, và trầm trọng hơn khi mắc lỗi có hệ thống. Nó đào khoét những hố sâu ngăn cách dựng nên những cản trở trong tình cảm gia đình. Khi đó báu vật hạnh phúc gia đình bị rơi rụng, hao mòn, bị đánh cắp lúc nào không biết.
Trong ứng xử gia đình con cháu nên dành cho ông bà, cha mẹ sự quan tâm săn sóc tối đa. Biết lựa chọn những phương thức tối ưu nhất cho lợi ích gia đình mà không ảnh hưởng tới lợi ích xã hội. Biết đánh đổi những thứ phù phiếm, phù du để lấy về những gì thiết thực cho mái ấm của mình. Hãy biết vượt qua mọi thử thách, mọi sự cám dỗ để sống và ứng xử trọn vẹn với cuộc sống mà mình đã lựa chọn. Điều cần thiết cuối cùng là phải biết hy sinh mọi thứ để bảo vệ lấy giá trị thiêng liêng của hạnh phúc gia đình trong đó sự ứng xử hiếu thảo, lễ phép kính trọng, tận tụy với ông bà cha mẹ.
Ứng xử gắn liền với nhận thức, tri thức. Văn hóa nào thì ứng xử đấy. Vì vậy cũng cần phải học hỏi trong gia đình, trong trường đời, trong tự nhiên để có đủ tâm, đủ tầm, để ứng xử đúng mực, ứng xử đầy đủ, ứng xử đúng mực, hài hòa với mọi mối quan hệ của đời sống. Điều đó là cần thiết khi ta phải suốt đời học làm người tử tế. Mà trước hết phải học, phải biết ứng xử tử tế ngay với người trong gia đình mình trước hết là ông bà, cha mẹ mình.
Hạnh phúc đang ở trong tầm tay của mỗi người. Hạnh phúc là quả ngọt, là mùa màng bội thu mà ai cũng có thể gặt hái. Nếu như mình tận tâm kiên trì bền bỉ gieo trồng vun vén chăm sóc bảo vệ nó. Ứng xử gia đình là sự trải nghiệm của hạnh phúc. Nó thiết thân, thiết thực, sát sườn với mỗi chúng ta, với mỗi gia đình.
Cho dù gia cảnh có thế nào đi chăng nữa, sự đủ đầy về vật chất không thể thay thế, bù đắp hoàn toàn cho mọi hành vi ứng xử với ông bà, cha mẹ. Hãy “thâm canh” trên cánh đồng của gia đình mình để có được mùa màng bội thu hạnh phúc để cha mẹ, ông bà có được niềm vui sự an nhàn nơi mái ấm cuộc đời.
Đúc kết ứng xử trong truyền thống gia đình Việt Nam, ca dao xưa đã có câu thơ khái quát rất hàm súc:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Đó là lời răn dạy ghi lòng tạc dạ của con cháu đối với bậc sinh thành nuôi dưỡng của mình. Cuộc đời con người luôn trĩu nặng bên mình trên đôi vai công cha – nghĩa mẹ. Mỗi con người đều học thuộc và làm theo những điều hiếu nghĩa đã trở thành bổn phận của cuộc đời”
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Đạo ở đời quan trọng bậc nhất là đạo làm con, làm cháu. Đó là một thứ đạo không có giáo lý, không ràng buộc con người, nhưng ai ai cũng thấm thía, cũng tuân thủ, cũng muốn hành “đạo” theo cách tốt nhất của mình để báo đáp công ơn sinh thành nuôi dưỡng.
Trong tôn ti trật tự của “đạo nhà” nội dung tiêu chí con cháu lễ phép, thảo hiền, hiếu nghĩa, kính trọng, tận tụy với ông bà, cha mẹ là cốt lõi. Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu một nhà nhân đạo học khiếm thị nổi tiếng Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã viết:
Dù đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ.
Một triết lí nhân văn nhân đạo sâu sắc về lòng hiéu nghĩa kính trọng thờ phụng cha mẹ, ông bà, tổ tiên vô cùng quý giá để làm nên phẩm giá con người. Phải giữ gìn bảo vệ phát huy giá trị đạo nhà đó còn hơn giữ gìn con ngươi đôi mắt của chính mình.
Trong gia đình mỗi thành viên nhận về mình niềm vui nhiều hơn khi chính mình đã đem lại niềm vui cho mọi người, biết hy sinh vì người thân, làm cho người mình yêu thương kính trọng được hạnh phúc, được mãn nguyện.
Bài học ứng xử gia đình là quan tâm tới người khác, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì người khác chia sẻ thông cảm, đồng cam cộng khổ với người khác nhất là người đó là ông bà, cha mẹ của chính mình.
Không có hạnh phúc nào trong sở hữu đơn thuần, đón nhận từ một phía, hạnh phúc chỉ trọn vẹn khi biết cho đi, biết trao gửi, biết làm đẹp người mình thân quý, kính trọng. Vì thế bậc làm con, làm cháu cần phải hình thành thói quen điều chỉnh thời gian cần thiết để quan tâm săn sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ thể hiện sự tận tâm tận tụy hiếu thảo.
Trong ứng xử hàng ngày, đối với ông bà, cha mẹ bổn phận con cháu phải có thái độ cử chỉ, lời nói, việc làm thể hiện cách ứng xử lễ phép kính trọng. Trong quan hệ xã hội đã phải lựa lời mà nói khi giao tiếp thì trong ứng xử gia đình lời ăn tiếng nói cũng phải thể hiện đạo đức, văn hóa của người con, người cháu đối với ông bà, cha mẹ.
Cha mẹ khi còn tuổi, còn sức lao động có thể chịu nhiều sức ép bên ngoài từ phía quan hệ xã hội. Khi trở về gia đình với con cái họ cần tìm chốn bình yên, lấy lại niềm vui niềm tin và sự thư thái. Con cái phải hiểu điều đó để tiếp sức tin yêu cho cha mẹ, giải tỏa được những nỗi niềm bức bách tạo ra không khí yên vui hòa thuận, đầm ấm trong nhà, ngoài ngõ.
Cha mẹ, ông bà khi về già có thể có những biểu hiện của tuổi tác, khi yếu khi đau, khi nhớ khi quên, trái tính trái nết, dễ sinh ra mất lòng, gây khó chịu cho con cháu. Thông hiểu được những biểu hiện của tuổi tác và sự lệch pha giữa các thế hệ, phận làm con, làm cháu phải bình tĩnh kiên trì, biết lắng nghe, biết chịu đựng để tháo gỡ, để hòa nhập, cần phải đem lại sự hòa thuận gia đình đem lại niềm vui tuổi già cho cha mẹ, ông bà những người đã vất vả, cống hiến cả cuộc đời vì con vì cháu.
Trong cuộc đời này có biết bao người cảm thấy hối tiếc, xót xa ân hận. Bởi khi họ nhận ra cần phải lễ phép, hiếu thảo, kính trọng, săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà thật nhiều thật tốt hơn nữa mà không còn cơ hội nữa rồi. Quy luật sinh tử của con người đã không thể cho ông bà, cha mẹ họ sống với họ được lâu hơn nhiều hơn. Khi ông bà, cha mẹ đã về với tổ tiên đã để lại cho họ khoảng trống vắng thiếu hụt rất to lớn không gì san lấp, bù đắp nổi. Đó là bài học đớn đau cảnh tỉnh cho những ai còn chưa quan tâm đúng mức tới việc lễ phép, hiếu thảo, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi họ đang còn chung sống với gia đình mình.
Hạnh phúc chỉ trở thành giá trị đích thực khi con người tìm được niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống gia đình của mình. Hạnh phúc gia đình không thể có nếu để cho sự ích kỷ, vụ lợi, toan tính, hẹp hòi của kẻ chỉ nghĩ đến lợi lộc vun vén cho bản thân dẫn đến những xung khắc bất hòa trong gia đình.
Thật bất bình khi con cháu đùn đẩy trách nhiệm cho nhau về chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Thật bất bình khi con cháu tranh giành cắn xé nhau về hưởng quyền thừa kế từ tài sản ông bà, cha mẹ để lại. Những ứng xử như thế trái với đạo nhà, đạo đời và đạo đức của xã hội hiện đại khi họ bất chấp cả sự hòa giải và xử lý pháp luật.
Trân trọng những gì mình đang có, gia đình mình đang có để ứng xử hợp lí hợp tình với những thực thể đang hiện hữu ấy. Con người có thể lựa chọn gia đình nhưng không ai có thể lựa chọn ông bà cha mẹ. Và công ơn của ông bà, cha mẹ chỉ có thể sánh bằng trời, bằng biển. Cho dù mình có thể lễ phép, hiếu thảo, kính trọng và tận tụy chăm sóc tới đâu cũng không thể báo đáp đầy đủ công ơn mang nặng đẻ đau, chôn nhau cắt rốn, sinh thành nuôi dưỡng.
Mai sau cho dù có những trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi tiên tiến hiện đại ưu việt đến đâu cũng không thể thay thế được đạo nhà, được tình mẫu tử phụ tử. Không thể thay thế được tấm lòng đức hạnh tình cảm của con cháu dành cho ông bà, cha mẹ. Càng không thể thay thế được cảnh con cháu sum vầy niềm vui hạnh phúc gia đình bên ông bà, cha mẹ. Con cháu thảo hiền chính là “bà đỡ” cuối cuộc đời của ông bà, cha mẹ trước khi trở về sum họp cùng tổ tiên nơi cõi vĩnh hằng.
Nhà văn Ngô Quang Hưng