Thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), thời gian qua, tại các địa phương đã xây dựng nhiều cơ sở trợ giúp góp phần làm tốt công tác phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực gia đình là nơi chăm sóc, tư vấn, tạm lánh, hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác được quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007. Theo đó, cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình bao gồm: cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở bảo trợ xã hội; cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, 06 tháng đầu năm 2021, Tổng đài 1900.969.680 đã tiếp nhận hơn 1.300 cuộc gọi tăng khoảng 140% so với năm 2020, trong đó 83% các cuộc gọi liên quan đến bạo lực gia đình. Nếu tính riêng số trường hợp được tham vấn về bạo lực gia đình đã tăng gần 60% so với năm 2020 và tăng hơn 230% so với năm 2019. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, 30% các cuộc gọi vào tổng đài là cuộc gọi yêu cầu giải cứu khẩn cấp do bị bạo lực gia đình của các phụ nữ tỉnh khu vực miền Nam. Tại Hà Nội, Ngôi nhà Bình Yên đã tiếp nhận, hỗ trợ 74 trường hợp, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2020 (54 người). Ngôi nhà Bình Yên tại Cần Thơ hỗ trợ 12 người tạm trú, tăng 266% so với năm 2020 (6 tháng đầu năm 2020, tiếp nhận mới 3 người tạm trú).
Từ sau khi Việt Nam ký Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW), vấn đề phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và BLGĐ được đặc biệt quan tâm. Ngoài việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới thì các mô hình can thiệp PCBLGĐ; mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới; xây dựng gia đình hạnh phúc đã và đang phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò vị trí của gia đình, nhận thức về pháp luật, đặc biệt nắm rõ được các hành vi vi phạm bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong việc ngăn ngừa và phòng chống bạo lực.
Thực hiện dự án hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai, trên cả nước đã thành lập và duy trì Mô hình địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh ở cộng đồng tại 63 xã của 63 tỉnh, thành phố; 08 mô hình Cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại các Trung tâm Công tác xã hội và Nhà Bình yên; 10 Mô hình Trung tâm Công tác xã hội hỗ trợ thực hiện cung cấp dịch vụ bình đẳng giới; 18 mô hình CLB hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài; 06 mô hình Trường học an toàn, không bạo lực. Các mô hình bước đầu đã được các địa phương, đơn vị triển khai hiệu quả, góp phần không nhỏ trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Trong bối cảnh Covid -19, các mô hình đã tích cực, chủ động đảm bảo tính sẵn có các dịch vụ để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực một cách tốt nhất.