Sau 12 năm triển khai và thi hành Luật PCBLGĐ, bên cạnh những thành tựu đạt được, Luật cũng đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần phải điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện như sau:
Thứ nhất, Còn thiếu những quy định giải thích các khái niệm liên quan PCBLGĐ. Chưa qui định biện pháp ngăn ngừa các nguyên nhân trực tiếp gây BLGĐ (như 60% số vụ BLGĐ do người nghiện rượu gây ra), từ đó gây khó khăn cho công tác PCBLGĐ, làm cho các vụ BLGĐ cứ tiếp diễn đến khi gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng. Các quy định về các biện pháp giáo dục và hỗ trợ đối tượng có hành vi bạo lực gia đình còn chưa cụ thể, một số biện pháp phòng ngừa mang tính chất giải quyết từ căn nguyên, gốc rễ của vấn đề bạo lực gia đình chưa được Luật hiện hành quy định. Luật hiện hành mới chỉ tập trung vào các biện pháp xử lý đối tượng gây bạo lực bằng xử lý hành chính hoặc hình sự, trong khi đó, để phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực gia đình có hiệu quả thì biện pháp giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về bạo lực gia đình, về giới cho các đối tượng này (biện pháp được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay) là rất quan trọng thì chưa được ghi nhận và chú trọng. Bên cạnh đó, người có hành vi bạo lực gia đình cũng là nhóm đối tượng cần được trợ giúp về mặt tâm lý, pháp lý để thay đổi nhận thức, hành vi, trong khi Luật hiện hành lại chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.
Thứ hai, Luật hiện hành quy định về nội dung thông tin, tuyên truyền về PCBLGĐ chưa thể hiện rõ các nguyên tắc, đối tượng; nội dung và hình thức tuyên truyền chưa phù hợp với xu thế phát triển và kinh nghiệm thực tế có hiệu quả ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đối với một số nhóm đối tượng đặc thù và người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Do đó, công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay chủ yếu đưa tin vụ việc, chưa chú trọng đến việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bạo lực gia đình.
Thứ ba, quy định về hòa giải trong PCBLGĐ tại Luật hiện hành chưa làm rõ được tính đặc thù giữa hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp không có bạo lực và những mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến bạo lực trong gia đình. Trong thực tế, nhiều vụ việc bạo lực gia đình dù đã bị xử lý hành chính hoặc hình sự nhưng mâu thuẫn, tranh chấp vẫn kéo dài, không được xử lý, hòa giải dứt điểm. Mặt khác, việc hòa giải trong PCBLGĐ hiện nay còn mang nặng thủ tục hành chính, người tham gia hòa giải còn hạn chế về kiến thức và kỹ năng, thậm chí một số người còn có tư tưởng định kiến giới nên công tác hòa giải chưa đạt hiệu quả cao. Vì vậy, để phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực gia đình tái diễn, công tác hòa giải vừa phải thực hiện đúng theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở, vừa phải bảo đảm có những quy định có tính chất đặc thù của các vụ việc bạo lực gia đình.
Thứ tư, hiện nay, quy định về thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn khá phức tạp, nhất là quy định về viết đơn, tố cáo, về cấm tiếp xúc. Nhiều nạn nhân bạo lực gia đình ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải cách thức trình bày vụ việc, thậm chí còn bị người gây bạo lực hoặc người trong gia đình đe dọa nếu tố cáo hoặc còn tâm lý che dấu, e ngại việc trình bày các vụ việc của nội bộ gia đình dẫn tới không thể viết đơn, tố cáo các hành vi bạo lực. Khoản a Điều 20 Luật PCBLGĐ quy định để áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc khi xảy ra bạo lực gia đình thì phải có đơn yêu cầu của nạn nhân, người giám hộ, người đại diện hợp pháp…, quy định còn nặng tính hành chính, không phù hợp với thực tiễn; mặt khác, khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân thường là người phải ra khỏi nhà trong khi họ là những người yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi).
Thứ năm, Luật hiện hành chưa đưa ra các quy định cụ thể về nội dung quản lý Nhà nước về PCBLGĐ và quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ PCBLGĐ. Qua thực tiễn thi hành Luật hiện hành cho thấy, lĩnh vực này phải có các nội dung quản lý nhà nước rõ ràng, cụ thể, phải có phân công trách nhiệm rành mạch cho các bộ, ngành, địa phương và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và huy động sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể. Hiện nay, trong một số đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội đã quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương như: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (2012) đã dành 1 điều để quy định chi tiết nội dung này (Điều 6); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (2019) quy định vấn đề này tại Điều 33.
Bên cạnh đó, các quy định về báo cáo tình hình và kết quả PCBLGĐ tại địa phương phải được thể hiện trong báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội của Ủy ban nhân dân trước Hội đồng nhân dân cùng cấp, tuy nhiên, trong thực tế, việc báo cáo theo quy định của Luật chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Ngoài ra, cũng chưa có chế tài để xử lý các địa phương trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Luật. Việc thực hiện quy định bố trí ngân sách cho công tác PCBLGĐ của các địa phương, nhất là ở cấp xã còn nhiều khó khăn, thực hiện không đầy đủ, dẫn tới nhiều nhiệm vụ PCBLGĐ không có nguồn lực để triển khai. Công tác báo cáo số liệu về tình hình bạo lực gia đình đang được quy định tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau, chưa có sự thống nhất về tiêu chí, biểu mẫu, cách thức và cơ quan đầu mối tổng hợp số liệu. Sự phối hợp, chia sẻ số liệu giữa các ngành còn hạn chế, chưa thống nhất về phương pháp, biểu mẫu, do đó, việc cập nhật số liệu, thông tin về PCBLGĐ còn nhiều bất cập, thiếu độ tin cậy.
Thứ sáu, các chính sách xã hội hóa công tác PCBLGĐ chưa được Luật quy định. Các hoạt động thu hút sự hỗ trợ nhằm trợ giúp khẩn cấp các trường hợp bị bạo lực gia đình là hết sức cần thiết, song hiện nay, Luật chưa có quy định này. Theo Chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, do đó, việc thành lập Quỹ cần được luật hóa để đảm bảo tính khả thi. Hiện nay, một số Luật đã quy định việc thành lập Quỹ như: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (2012); Luật Du lịch (2017) và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (2019).
Thứ bảy, Trong nhiều trường hợp, người tham gia can ngăn hành vi bạo lực gia đình bị thiệt hại về tài sản, thậm chí nguy hiểm tính mạng, nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định về hỗ trợ, đền bù khiến công tác PCBLGĐ khó huy động sự tham gia của toàn xã hội.