Khi nghiên cứu về hộ gia đình cũng không thể bỏ qua các đặc điểm nhân khẩu học học về cơ cấu dân số, đầu tiên là cơ cấu dân số theo giới tính ở Việt Nam trải qua thời kỳ chiến tranh, tỷ lệ nam giới thấp hơn nữ, điều này tuy đã dần cân bằng sau hòa bình, nhưng hiện nay cũng vẫn chịu ảnh hưởng của việc còn nhiều gia đình phụ nữ độc thân, đơn thân nhất là ở các vùng nông trường và nay họ đã trở về già, gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ năm 2007, dân số Việt Nam xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng này nếu không sớm được khắc phục sẽ để lại hậu quả và trong tương lai nhiều triệu nam giới không có khả năng kết hôn và nhiều hệ lụy xã hội khác.
Dân số Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng và già hóa dân số, tức tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh tác động đến mô hình gia đình. Đó là chưa nghiên cứu rộng đến cơ cấu theo dân tộc, tôn giáo … cũng có nhiều tác động nhất định đến gia đình.
Đặc điểm về hôn nhân cũng có tác động rất lớn đến gia đình điều này khẳng định qua Luật Hôn nhân và Gia đình. Điều đặc biệt cho thấy xu hướng ly hôn, ly thân, sống độc thân tăng cao sẽ tác động trực tiếp đến cơ cấu hộ gia đình ở nước ta. Năm 1989 tỷ lệ ly hôn là 0,6% tăng hẳn lên 2 lần rưỡi vào năm 2015 với tỷ lệ 1,7%. Trong thực trạng hiện nay còn phải xem xét đến cả tình trạng hôn nhân có yếu tố nước ngoài.