Một trong những nét đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam là gia đình từ 3 thế hệ trở lên, vì thế các thành viên trong gia đình có điều kiện quan tâm, chia sẻ, chăm sóc tới nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, gia đình hiện nay chủ yếu là gia đình hạt nhân, chỉ có hai thế hệ là cha mẹ và con cái, hầu hết các cặp vợ chồng sau khi kết hôn muốn ra ở riêng. Việc xuất hiện sự thay đổi về di cư lao động, sự độc lập về kinh tế giữa bố mẹ và con cái và sự tôn trọng tự do cá nhân trong đời sống gia đình hiện đại cũng góp phần làm chuyển dịch từ gia đình lớn nhiều thế hệ sang gia đình nhỏ. Theo điều tra năm 2017 của đề tài “Xu hướng biến đổi của đặc điểm gia đình Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế” của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thuộc chương trình “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế” thì có 29.8% gia đình sống từ 3 thế hệ trở lên. Con cái nhiều khi bận rộn với công việc hoặc họ mải mê với gia đình riêng mà ít có thời gian chăm sóc, thăm nom, trò chuyện với cha mẹ.…Điều này nhiều khi làm cho cha mẹ thấy buồn và tủi thân sau khi con cái lập gia đình. Trong gia đình, cha mẹ thường coi trọng, đề cao việc ứng xử có lễ nghĩa thì con cái nhiều khi lại gắn khía cạnh kinh tế với khía cạnh tình cảm, hạnh phúc gia đình.
Tuy nhiên, những chuyển biến theo chiều hướng không phù hợp với giá trị truyền thống gia đình đó không vì thế mà mất đi vai trò của mỗi gia đình Việt. Sự tác động của bối cảnh hiện nay cũng làm cho giá trị gia đình chuyển biến theo cả hướng tích cực, phù hợp với xã hội hiện đại.