Mối quan hệ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình dường như lỏng lẻo hơn vì bị chi phối, đan xen bởi tiền bạc, bởi lối sống ích kỷ cá nhân, đặt cái tôi của mình lên trên hết. Nề nếp kỷ cương gia đình như “kính trên nhường dưới”, kính già yêu trẻ, con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ đang bị suy giảm và mất đi tính bền vững. Ngày nay, phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và độc lập về kinh tế, điều này cũng làm cho họ giảm bớt thời gian hơn cho gia đình. Các thành viên trong gia đình ít có thời gian dành cho nhau để tâm sự, lắng nghe những chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, nhiều người cảm thấy cô đơn ngay chính trong ngôi nhà của mình.
Trong đạo đức học, cha từ, con hiếu là đối với cha mẹ thì người con phải có hiếu, đối với con cái thì cha mẹ phải nhân từ, phải nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái với tình yêu thương của mình. Người có hiếu là người làm cho cha mẹ được tôn trọng, không làm xấu hổ đến cha mẹ, không làm cha mẹ buồn, ứng xử với cha mẹ hợp lễ nghĩa, có thể nuôi được cha mẹ… Tuy nhiên, hiện nay, mỗi cá nhân trong gia đình dường như quên đi trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ nếp sống truyền thống, quên đi bổn phận làm tròn chữ hiếu với ông bà, cha mẹ. Gia đình Việt Nam xưa vốn là một gia đình hài hoà, trong đó cùng chung sống dưới một mái nhà có cả ông bà, cha mẹ lẫn con cái, ba thế hệ này chung sống với nhau, bổ sung cho nhau những thiếu hụt của mỗi lớp tuổi đời nay đã giảm dần. Xu hướng thích ra ở riêng ngay từ khi mới lập gia đình ngày càng trở nên phổ biến. Mỗi gia đình nhỏ luôn cố tìm cho mình một tổ ấm riêng và trong cái tố ấm ấy, thành viên nào cũng cố tìm cho mình một không gian riêng. Với cách sống đó, quyền tự do cá nhân được tôn trọng, song mối quan hệ huyết thống lại dần dần bị phai nhạt. Bố mẹ, anh em, bà con họ hàng ít có dịp gặp nhau. Chữ hiếu đã được không ít người hiểu một cách lạnh lùng.