Ngày 06 tháng 02 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 215/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020. Chương trình được ban hành đã thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác gia đình nói chung và phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về phòng, chống bạo lực tại thời điểm đó. Chương trình đã đặt ra mục tiêu chung “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên phạm vi toàn quốc”. Để đạt được mục tiêu chung này, Chương trình đặt ra tám mục tiêu cụ thể với các chỉ tiêu phù hợp cho từng giai đoạn.
Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 đã góp phần tích cực, nâng cao nhận thức về PCBLGĐ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đã được triển khai trên diện rộng và được lồng ghép vào các phong trào của từng ngành, đoàn thể gắn với các tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá.
Thực hiện mục tiêu 2, 3 và 4 của Chương trình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cho giảng viên, báo cáo viên về phòng, chống bạo lực gia đình tại các cơ quan trung ương và báo cáo viên cấp tỉnh. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tập huấn cho đội ngũ làm công tác gia đình và cán bộ cấp xã, các cộng tác viên ở cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình. Quá trình triển khai, một số giảng viên, báo cáo viên và cán bộ cấp xã đã nghỉ công tác hoặc chuyển sang nhiệm vụ khác, những người mới được điều động, bổ nhiệm chưa được bồi dưỡng nhưng được sự quan tâm của các địa phương, việc tập huấn, bồi dưỡng được thực hiện thường xuyên nên nhiều tỉnh, thành có kết quả đạt thậm chí vượt so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, cả nước đạt 95,2% số cán bộ được tập huấn nâng cao nâng cao năng lực, trong đó, có 60,3% (38/63) số tỉnh, thành đạt 100% số cán bộ được tập huấn; có 97,8% lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực gia đình (chỉ tiêu phấn đấu là 90%).