Bạo lực gia đình (BLGĐ) là một hiện tượng nảy sinh trong đời sống gia đình nhưng hiện đang là một vấn đề xã hội. BLGĐ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực chung tay lên tiếng bảo vệ, phòng chống BLGĐ vì một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
BLGĐ, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là vấn đề nghiêm trọng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại tỉnh ta, mỗi năm có trên 220 vụ BLGĐ, con số này có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Đây là những con số được thống kê từ những vụ việc phát hiện được, còn những trường hợp vì nhiều lý do mà gia đình và phụ nữ còn e ngại, không dám lên tiếng.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Hồng Nga nói rằng: Vấn đề đáng nói là các vụ việc về BLGĐ không chỉ là những con số, mà đằng sau đó là hậu quả nặng nề để lại cho phụ nữ, trẻ em và gia đình cũng như ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
Hệ lụy của bạo lực còn gây tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe, thể chất, tinh thần của nạn nhân, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ, gây tan vỡ hạnh phúc gia đình. Trước thực trạng này cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc chung tay phòng chống BLGĐ.
Với chức năng, nhiệm vụ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, thời gian qua, thông qua phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” giai đoạn 2017-2027, các cấp Hội Phụ nữ Phú Yên đã phối hợp cùng các ngành, địa phương tổ chức triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ; đồng thời lên tiếng bảo vệ an toàn cho phụ nữ.
Các cấp Hội xác định đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ. Hàng năm, Hội LHPN các cấp còn ký kết nội dung thi đua để thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hoạt động, toàn tỉnh xây dựng được mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng, trên 230 mô hình CLB “Gia đình hạnh phúc”, “Nuôi dạy con tốt”, “Mẹ và con gái”, “Chăm sóc sức khỏe vị thành niên”, “Gia đình phát triển bền vững”, “Quản lý giáo dục trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật”, “Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ”… góp phần nâng cao kiến thức, hỗ trợ hội viên phụ nữ tổ chức tốt cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Nâng cao kỹ năng ứng phó
Thực tế cho thấy có nhiều nguyên nhân gây ra BLGĐ như trong xã hội còn tồn tại định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ và cho rằng nam giới có quyền lực và có quyền “dạy” vợ. Cộng đồng và xã hội vẫn coi BLGĐ là chuyện riêng của gia đình mà không can thiệp kịp thời, chưa tạo ra dư luận rộng rãi. Các vụ việc bạo lực xảy ra tại địa phương chưa xử lý triệt để. Chính quyền chỉ vào cuộc với những vụ BLGĐ có hậu quả nghiêm trọng khi nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân kêu cứu.
Có mặt trong buổi tập huấn nâng cao kỹ năng ứng phó phòng chống BLGĐ của Hội LHPN tỉnh dành cho cán bộ Hội cơ sở mới đây, chị Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) bày tỏ: “Nhờ tham gia lớp tập huấn, tôi trang bị thêm nhiều kỹ năng để hỗ trợ phụ nữ địa phương ứng phó phòng chống BLGĐ như: Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn gia đình, kỹ năng kiểm soát cảm xúc của bản thân; những điều chị em không nên làm khi đang tức giận để giữ gìn hòa khí trong nhà, tránh việc vợ chồng xung đột cãi vã.
Chẳng hạn như khi chồng hoặc thành viên khác trong gia đình đang “bốc hỏa” thì chị em nên dừng cuộc nói chuyện ngay lập tức và chỉ trao đổi khi người kia bình tĩnh trở lại, tránh sa đà vào việc cãi cọ, to tiếng với nhau. Đặc biệt, khi có BLGĐ xảy ra, chị em cần tìm đến sự giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng…”.
Chia sẻ về việc xử lý khi BLGĐ xảy ra, chị Nguyễn Thị Xuân Oanh, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) nói: “Có không ít chị em e ngại trong việc tìm sự giúp đỡ bên ngoài vì cho rằng “xấu chàng hổ ai” và mình đang “vạch áo cho người xem lưng”. Có chị còn cho rằng mọi người sẽ đánh giá mình không ra gì nên mới bị chồng đánh. Họ nghĩ bản thân có thể tự giải quyết được việc của gia đình nhưng thực tế lại đang bế tắc”.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Hồng Nga nhấn mạnh: Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, vận động hỗ trợ phụ nữ nâng cao trình độ, nhận thức, vị thế của bản thân trong gia đình và ngoài xã hội gắn với việc thực hiện các hoạt động theo chủ đề Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Phụ nữ cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán, phải phá vỡ sự im lặng, đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, đặc biệt Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống BLGĐ cho cán bộ, hội viên phụ nữ, góp phần tích cực tiến tới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Ngoài việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội trong bảo vệ sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em, xây dựng các mô hình CLB hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng tránh BLGĐ. Chúng tôi cũng mong các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, các cơ quan thông tấn báo chí tích cực phối hợp, đồng hành với Hội cùng chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, vì một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.
nguồn “Trang thông tin điện tử Báo Phú Yên”