Để góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh trong mỗi gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, những năm qua, Hội Phụ nữ các cấp đã tích cực triển khai tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) với nhiều hoạt động thiết thực.
Để đưa Luật Phòng chống BLGĐ lan tỏa trong các cấp hội và từng hội viên, góp phần hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với 17 sở, ngành chuyên môn hỗ trợ giúp phụ nữ nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, kỹ năng phát hiện, giải quyết và phòng chống BLGĐ; tổ chức 1.823 buổi truyền thông tại cộng đồng; phát hành trên 17.000 cuốn tài liệu, văn bản, tờ rơi liên quan đến phòng, chống BLGĐ và bình đẳng giới; tổ chức lễ phát động, mít tinh, diễn đàn, các cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống BLGĐ…
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hường cho biết, song song với công tác truyền thông, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình, câu lạc bộ phòng chống BLGĐ nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em khi bị bạo hành. Đến nay, các cấp hội đã xây dựng được 118 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; 3 “Góc tư vấn tiền hôn nhân”; 61 câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”; 144 mô hình “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình không có bạo lực”; 65 câu lạc bộ “Gia đình không có người thân mắc các tệ nạn xã hội”; 16 mô hình “Người cha tốt của con”; 4 mô hình “Kết nối mẹ và con gái”…
Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” thôn Nam Hòa, xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) được thành lập từ năm 2013, đến nay đã có 45 thành viên tham gia, sinh hoạt định kỳ mỗi quý 1 lần. Chị Phan Thị Xuân, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho hay, trong các buổi sinh hoạt, câu lạc bộ không chỉ cấp phát tờ rơi, tuyên truyền về phòng chống BLGĐ, kiến thức chăm sóc, nuôi dạy con cái, an toàn giao thông…, Ban chủ nhiệm còn biên soạn, xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền liên quan đến chủ đề phòng chống BLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc, chấp hành pháp luật… Qua đó, các thành viên trở thành “hạt nhân nòng cốt” trong việc tuyên truyền cho các hội viên, phụ nữ trên địa bàn những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống BLGĐ, kỹ năng ứng xử giữa vợ và chồng, giữa mẹ chồng và nàng dâu…
Để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giúp đỡ nạn nhân bị BLGĐ, năm 2018, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xây dựng trang “Tư vấn pháp luật” và chỉ đạo cho các cấp hội thành lập được 11 Tổ tư vấn cộng đồng. Các Tổ tư vấn cộng đồng có trách nhiệm tiếp nhận, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí về các vấn đề liên quan đến BLGĐ, bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho hội viên, phụ nữ…
Từ năm 2009 đến nay, các cơ sở tư vấn, địa chỉ tin cậy, mô hình, câu lạc bộ do Hội Phụ nữ các cấp thành lập đã can thiệp giúp đỡ 281 trường hợp bị BLGĐ, hòa giải thành 2.307 vụ việc, chuyển 499 đơn kiến nghị đến ngành chức năng giải quyết theo thẩm quyền. Các cấp hội đã phối hợp tổ chức 87 lớp dạy nghề, ưu tiên đối tượng phụ nữ bị BLGĐ, tín chấp vay vốn với tổng dư nợ gần 1.500 tỷ đồng giúp hội viên khó khăn phát triển kinh tế. Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thanh Hường, qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ, các cấp hội đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng nhiều chương trình, thực hiện có hiệu quả các chính sách, đề án liên quan đến công tác phòng, chống BLGĐ và bình đẳng giới, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, từng bước đưa Luật Phòng, chống BLGĐ vào cuộc sống.
Nguyễn Xuân (nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử)