Cuộc sống gia đình cần lắm sự chia sẻ, cảm thông động viên khích lệ. Chia sẻ ở đây dành cho cặp vợ chồng tâm tình, tâm tư và thông tin cho nhau những vấn đề đặt ra trong cuộc sống lứa đôi và mối quan hệ với những người xung quanh. Cũng có thể là những chia sẻ của mẹ cha với con cái hoặc con cái với cha mẹ về những điều cần phải bày tỏ trong mối quan hệ gia đình và xã hội liên quan. Với các gia đình sống chung nhiều thế hệ, việc sẻ chia giữa ông bà, cha mẹ với con cháu, chắt và ngược lại cũng rất cần có để hiểu biết lẫn nhau giải tỏa những điều chưa thông hiểu, tạo ra sự cảm thông đồng điệu.
Chia sẻ là bức thông điệp yêu thương bày tỏ nỗi niềm đó là thông báo cần thiết hoặc tiếp nhận những thông tin cần thiết để người thân hiểu rõ, hiểu thêm, hiểu sâu, hiểu kỹ những vấn đề vướng mắc, những trăn trở băn khoăn, những gì cần giúp đỡ, hợp tác, giải tỏa, giải quyết tháo gỡ bức xúc trì trệ, ách tắc. Chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ khó khăn thiếu thốn, những hẫng hụt về tình cảm về vật chất cũng trở nên cần thiết với các thành viên trong gia đình. Truyền thống gia đình từ xa xưa đã chắt lọc những thành ngữ về sự sẻ chia rất sâu sắc:
– Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.
– Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
– Máu chảy ruột mềm, môi hở răng lạnh.
Sự cởi mở trong giao tiếp gia đình chính là nhịp cầu nối những yêu thương và xây dựng nên tòa lâu đài hạnh phúc. Nếu không có sự sẻ chia, trong đời sống gia đình sẽ dẫn đến những khép kín tâm tư, đóng cửa tâm hồn, tạo ra sự cách biệt vợ chồng, cách biệt giữa các thế hệ ở chung một mái nhà. Đó thực sự là những bế tắc, bức bách trong cuộc sống gia đình và là mầm mống cho những hiểu lầm, mâu thuẫn xung khắc, hiện tượng này cha ông ta đã có câu thành ngữ rất chí lý: “Đồng sàng dị mộng”. Người trong một nhà nằm chung một giường nhưng tâm tư, ý nghĩ, tình cảm lại rẽ về hai phía, lại xa cách một cách khủng khiếp. Cái hố sâu ngăn cách tình cảm ấy không dễ gì san lấp, xóa nhòa được. Chỉ có sự sẻ chia mới thoát ra khỏi cảnh đồng sàng dị mộng.
Sự sẻ chia trong sinh hoạt gia đình, trong đời sống vợ chồng không cứ gì phải to tát. Nó nảy nở giao tiếp qua lại bình dị trong bữa ăn, giấc ngủ, trong lời ăn tiếng nói. Chia sẻ công việc gia đình để gắn kết tình vợ chồng. Chia sẻ gánh nặng áp lực trong công việc sẽ làm cho người thân, bạn đời thoải mái hơn.
Nói về một giấc ngủ của cặp vợ chồng khuyết tật cũng biết chia sẻ để tâm đầu ý hợp: Chồng còng mà lấy vợ còng/ Nằm phản thì chật nằm nong thì vừa.
Nói về một bữa cơm gia đình đầm ấm sẻ chia, một nhà thơ đã viết:
Cơm ai xới hạt dẻo mềm
Câu mời mát ngọt lời em đượm tình
Miếng ngon anh gắp cho mình
Chứa chan chồng vợ lung linh mắt cười…
Tình cảm ruột thịt giữa các thành viên trong gia đình luôn là sợi dây vô hình gắn bó con người tạo ra nguồn năng lượng tỏa sáng cuộc sống hạnh phúc. Giữ bền sợi dây tình cảm, giữ mãi nguồn năng lượng hạnh phúc đó là nhờ có những tiêu chí ứng xử tôn trọng, bình đẳng yêu thương và chia sẻ của mọi thành viên trong gia đình. Tiêu chí ưu việt đó chính là cỗ máy thần diệu vận hành mô hình gia đình, tế bào xã hội đảm bảo hài hòa giữa các giá trị gia đình truyền thống với những chuẩn mực tiêu biểu của văn hóa gia đình thời kỳ mới. Nếu nắm trong tay cỗ máy bảo bối này và vận hành nó thành thục chúng ta luôn có được niềm hạnh phúc gia đình vô bờ bến trong tay.