Để thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành về PCBLGĐ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo:
Các sở GDĐT, các trường đào tạo chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị, tổ chức xã hội có liên quan xây dựng nội dung, phát động và tổ chức các hoạt động truyền thông về giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng lưới thông tin nội bộ của đơn vị, nhà trường phù hợp, thiết thực, hiệu quả; tích hợp, lồng ghép giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong chương trình giáo dục, đào tạo chính khóa và hoạt động ngoài giờ lên lớp cho người học phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, cụ thể:
Đối với giáo dục mầm non: Chỉ đạo các trường mầm non thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình; kết hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em cho cha mẹ trẻ em; xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trong trường học và gia đình trẻ.
Đối với giáo dục phổ thông: Bộ GDĐT đã triển khai rà soát loại bỏ các yếu tố bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa hiện hành, góp ý xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới, đề xuất ban soạn thảo chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới lồng ghép và tăng cường yếu tố nhận thức giới, bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến về giới. Ban hành tài liệu và tổ chức tập huấn cho các tác giả biên soạn chương trình giáo dục phổ thông mới về lồng ghép vấn đề bạo lực gia đình trong biên soạn chương trình và sách giáo khoa mới.
Đối với giáo dục đại học: Hàng năm, Bộ GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học triển khai lồng ghép, tích hợp và giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trong các bộ môn pháp luật trong nhà trường và “Tuần lễ sinh hoạt công dân học sinh, sinh viên” đầu khóa, cuối khóa và đầu mỗi năm học; tổ chức quán triệt, tuyên truyền, giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình cho HSSV thông qua hội thảo khoa học, các buổi tuyên truyền, tọa đàm, chia sẻ chuyên đề, hệ thống bảng tin, phát thanh, sinh hoạt Đoàn, Hội, câu lạc bộ, tổ chức các cuộc thi viết tiểu phẩm, truyện, bài hát; cuộc thi sân khấu hóa, vẽ tranh… các hoạt động văn nghệ, mít tinh, lễ phát động nhằm nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và trách nhiệm xây dựng gia đình của mình.