Phòng ngừa bạo lực gia đình có mục đích tránh những hậu quả, thiệt hại có thể xảy ra khi có hành vi bạo lực gia đình. Luật quy định các biện pháp cụ thể trong phòng ngừa bạo lực gia đình tại chương II. Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình bao gồm:
Thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình. Thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm mục đích thay đổi nhận thức, hành vi về bạo lực gia đình, góp phần tiến tới xoá bỏ bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam.
Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình. Hoà giải mâu thuẫn giữa các thành viên gia đình là trách nhiệm gia đình, người đứng đầu hoặc người có uy tín trong dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, của cơ quan, tổ chức nơi công tác hoặc sinh sống của các thành viên gia đình; tổ hoà giải ở cơ sở. Việc hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp tuân thủ các nguyên tắc tại Điều 12 của Luật này.
Tư vấn, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư về phòng ngừa bạo lực gia đình. Việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư nhằm làm chuyển biến nhận thức của người có hành vi bạo lực gia đình để họ không tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, biện pháp góp ý, phê bình chỉ áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên có bạo lực gia đình đã được tổ hoà giải ở cơ sở hoà giải mà tiếp tục có bạo lực gia đình. Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp này là người đứng đầu cộng đồng dân cư (trưởng thôn, Trưởng làng, già làng, trưởng bản, ấp, phum, sóc, tổ trưởng tổ dân phố hoặc người đứng đầu đơn vị).